Một trong những thông tin được chú ý nhất tuần qua là việc tỉnh Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan tại công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Vắn tắt, mức phí được áp dụng theo lượt lưu trú: Du khách tới khu vực này sẽ phải trả mức phí 30 ngàn đồng/người lớn và 15 ngàn đồng/ trẻ em cho mỗi đêm nghỉ tại đây.
Trải rộng trên 4 huyện miền núi Hà Giang với diện tích hơn 2000 km2, cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 40 điểm đến nổi bật. Nhiều năm qua, chỉ có 3 điểm trong số này thu phí, còn lại du khách vẫn tới tham quan tự do.
Với quá khứ du lịch "miễn phí" như vậy, tất nhiên có không ít ý kiến tỏ ra thiếu đồng thuận với đề án của tỉnh Hà Giang. Trong đó, lý do được đưa ra nhiều nhất: Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên, không phải do con người tạo ra, và không thu phí.
Còn với quan điểm từ địa phương, việc thu phí này có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn cao nguyên đá Đồng Văn, cũng như phát triển du lịch tại đây. Các nhu cầu này trên thực tế không thể thực hiện tốt nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước.
Nhìn lại, cho tới khoảng 15 năm trước, lượng khách du lịch tới Đồng Văn không nhiều. Đa phần, đó là những người trẻ ham du lịch bụi - vẫn được gọi bằng "dân phượt".
Sức hút về du lịch của khu vực này chỉ bắt đầu mở rộng từ năm 2010, khi trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Kèm với đó, theo thời gian - khi xu thế du lịch tìm về với thiên nhiên dần phát triển, còn hệ thống đường xá, hạ tầng được nâng cấp - lượng du khách tới đây trở nên tăng vọt và đa dạng hơn trước.
Bây giờ, khi du lịch trở thành một nguồn thu có tiềm năng ở địa phương này, việc thu phí - cũng như bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên đang có - là 2 vấn đề song hành nhưng gắn bó mật thiết với nhau. Đó là điều hợp lý, và câu chuyện còn lại chỉ nằm ở cách thu tiền, cũng như việc tái đầu tư cho phát triển du lịch và bảo tồn di sản.
Với trường hợp của Đồng Văn, nhiều chuyên gia du lịch đã nhắc tới những mô hình khác nhau có thể nghiên cứu để thu phí từ du khách. Đó là việc bán một mẫu vé duy nhất (có thể vào đươc tất cả các điểm tham quan); là miễn phí một phần các điểm đến để thu hút du lịch và "gỡ" bằng việc bán vé tại một vài địa điểm đặc biệt cho du khách có nhu cầu; thậm chí là miễn phí tham quan về tổng thể, nhưng lại có cơ chế để trích lại nguồn thu từ toàn bộ hệ thống dịch vụ cho công tác bảo tồn….
Thực tế, mỗi mô hình đó đều có ưu nhược điểm riêng, và có những mô hình đòi hỏi nguồn đầu tư, cũng như một quãng thời gian để phát huy tác dụng. Việc cao nguyên đá Đồng Văn muốn chọn mô hình thu phí theo lượt lưu trú có thể chưa hoàn hảo trong quan điểm một số người, nhưng vẫn phải thừa nhận đó vẫn là quyền lựa chọn của nơi sở hữu nguồn tài nguyên này.
Nhưng, cũng cần nói rõ, trong vài năm qua, cách khai thác tài nguyên du lịch tại cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều câu chuyện khiến dư luận phải lo ngại. Đó là trường hợp của tòa nhà Panorama mọc lên tại đèo Mã Pì Lèng, là kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú hay thang máy ngắm cảnh Đồn Cao. Hoặc gần nhất, việc du khách được cung cấp trang phục ngoại lai để chụp ảnh trên sông Nho Quế cũng từng khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc…Dù chỉ là hiện tượng, nhưng những câu chuyện ấy rõ ràng cho thấy cách làm du lịch theo kiểu vội vã, chụp giật và "tận thu" tài nguyên từng xuất hiện tại đây.
Còn bây giờ, chắc chắn, khi (phải) chấp nhận bỏ tiền mua vé, du khách sẽ có quyền đòi hỏi những hệ giá trị tốt hơn so với trước, không chỉ về dịch vụ được cung cấp mà cả về việc giữ được giá trị nguyên bản của nguồn tài nguyên thiên nhiên tại cao nguyên đá này. Đó cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Tags