Học xong cấp 3, tôi thi tổng hợp văn bị trượt, nên về đi cày. Ngày làm nông, tối đọc sách dưới đèn dầu. Yêu sách báo nên khi đi chăn trâu, tranh thủ câu cá bán, có tí tiền là đặt tờ báo Văn nghệ, đọc thường xuyên. Còn sách thì đắt, chỉ đi mượn.
Thế rồi, tôi viết thơ lục bát phê bình những hiện tượng xấu đầu làng cuối xóm, gửi cho tờ báo của Khu tự trị Việt Bắc lúc đó, bất ngờ được đăng và được trả nhuận bút. Hứng chí cũng bắt chước đàn anh vẽ biếm họa. Rồi cũng được các báo đăng. Sắp tới, 21/6, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi muốn ôn lại mấy kỷ niệm đáng nhớ về tính tự lực mà theo tôi, luôn là thử thách đầu tiên với bất cứ nghề gì.
Hồi đó, vẽ tranh biếm hoạ xong, tôi tìm địa chỉ của tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, báo Chính nghĩa, báo Văn nghệ, báo Thương nghiệp... cứ gửi đại. Tòa soạn thấy tranh có ý, cho sửa chữa, rồi cho in. Lúc ấy mới 19, 20 tuổi hăng hái, nên lăn xả vào cái mình thích. Chính vì thế mà được biết đến và sau đấy được mời đi thi tuyển trung cấp mỹ thuật, khi Khu tự trị Việt Bắc thành lập trường nghệ thuật.
Rồi nhận ra đã là que diêm thì phải tự cháy, chứ chờ ai đốt cho mình?
Báo chí lúc ấy quý hóa cộng tác viên, chứ không lãnh đạm như bây giờ. In xong, bao giờ ban trị sự cũng gửi ngay báo biếu qua đường bưu điện. Một tuần sau thì gửi nhuận bút. Báo trung ương thì tranh biếm 2 đồng, địa phương trả một đồng rưỡi. Một đồng rưỡi được 5 bát phở lợn (những năm 1960 trên vùng Đại Từ, Thái Nguyên của tôi chưa có phở bò).
Học xong tôi về báo Việt Nam độc lập sửa morasse và làm trình bày. Một hôm phó tổng biên tập gọi giao cho việc chuẩn bị làm phòng truyền thống, tôi thấy mấy số báo có bài ở mục “Người tốt việc tốt” được khoanh đỏ, dưới có chữ: Kiểm tra lại, tặng một huy hiệu.
Nhìn kỹ hóa ra bút tích Bác Hồ, vì Bác ký ngay dưới câu nhắc đó.
Thi đua của đất nước sau hòa bình ở miền Bắc lúc ấy rất tác dụng động viên phong trào, dù cơ quan tôi những năm 1970 ấy, chưa có hội đồng thi đua và công đoàn, chi hội phụ nữ cũng không. Chỉ có đoàn thanh niên thôi, nhưng họp bữa đực bữa cái, đôi khi chỉ để khai báo thành tích. Tuy vậy, việc xét thi đua khen thưởng dù đơn giản, nhưng vẫn chặt chẽ, kĩ lưỡng. Một cái huy hiệu Bác Hồ, ai cũng mong ước, nhưng không ai dám phóng đại trong báo cáo thành tích bao giờ!
Còn điều nữa, vào giai đoạn đó, dù tặng danh hiệu gì thì cũng không bao giờ có tiền. Nghĩa là suốt thời bao cấp, chỉ khen mà không có thưởng, nhưng luôn có sức động viên rất lớn.
20 năm nay, tôi viết cho mấy tờ báo, nhưng có thời gian dài giữ chuyên mục cho hai tờ là Thể thao và Văn hóa và Nông thôn ngày nay là vất vả nhất. Cũng may mà hai báo đều nhất trí giao viết về văn hóa, thích gì thì cứ viết, nên dễ mở mang đề tài!
- Chào tuần mới: Khúc tâm tình về nghề báo
- Ra mắt 4 tác phẩm thú vị về nghề báo
- Đọc về nghề báo trong ngày báo chí
Với tôi, làm báo là để “vệ sinh” cái đầu, chứ không phải kiếm tiền, vì nhuận bút cũng thều thào lắm. Cả năm viết có khi không bằng bức tranh vẽ mấy ngày. Nhưng viết đều làm cho cái đầu luôn thường trực suy nghĩ để không bị trì trệ. Hơn nữa, nó làm giàu thêm hiểu biết, giúp cho sáng tác tranh.
Nhưng viết được đều thì quả không dễ tẹo nào, muốn viết tốt cần có hiểu biết rộng, mà thế thì chỉ còn cách đọc nhiều, đọc thường xuyên. Không đọc thì không bao giờ viết được. Đọc mười mới viết một!
Tôi viết tản văn, viết tạp bút, phóng sự và truyện ngắn là do thích mà làm. Làm lại có tiền. Đúng là làm gì cũng cần tiền. Người Tày dạy rằng “kin so bấu đo”, nghĩa là ăn xin chẳng bao giờ đủ. Nghề gì cũng nên biết tự tạo vốn cho mình bằng lao động, cũng phải làm nhiều việc lặt vặt khác nhau thì mới có ăn mà ngồi viết, vẽ. Phải lấy tiền ấy sang làm nghệ thuật mới khỏe. Lao động đó cũng là vốn đấy. Đó là một loại thực tế để có tri thức làm nghệ thuật! Nghệ thuật không có đất cho ăn mày, nhờ vả, xin xỏ khi mới lập nghiệp!
Họa sĩ Đỗ Đức
Tags