(Thethaovanhoa.vn) - Khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kêu gọi cho Quỹ hỗ trợ filmmaker để chia sẻ cho những ai làm phim đang gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch 2021, anh nghĩ chắc có chừng 100 người như vậy.
Rất nhanh chóng, đã có hơn 1.100 người đăng ký xin hỗ trợ, làm anh và quỹ hơi lo, vì sợ không đủ năng lực. Kết quả, quỹ hỗ trợ được hơn 500 người.
Câu chuyện này cho thấy rằng, trong khó khăn chung của đại dịch, nhiều nghệ sĩ ở TP.HCM đã bị tác động mạnh, nhưng vì ít có quỹ nào hướng đến, nên họ không thể tự nói ra. Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện hơn 70 năm trước, khi Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế tại Sài Gòn ra đời (nay là Ban Ái hữu nghệ sĩ), bởi thế mà sau đó Sài Gòn có khu dưỡng lão nghệ sĩ, chùa nghệ sĩ...
Quỹ hỗ trợ filmmaker không phải là ngoại lệ. Thời gian qua, Quỹ chăm lo văn nghệ sĩ do NSƯT Trịnh Kim Chi phát động đã hỗ trợ mùa dịch cho 181 anh chị em công nhân hậu đài, kỹ thuật thuộc 17 sân khấu tại TP.HCM. Quỹ này còn hỗ trợ mùa dịch cho các văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng vừa khởi động Quỹ hỗ trợ nghệ sĩ nghèo, trước mắt đã chia sẻ với các nhạc sĩ Lê Quốc Dũng, Tiến Luân và một nghệ sĩ cải lương lớn tuổi đang khó khăn, bệnh tật.
Những hội nhóm và vô số cá nhân cũng đã/ đang có những hỗ trợ thiết thực khác, nhiều người làm việc âm thầm, riêng lẻ, hướng đến những nghệ sĩ khó khăn mà bản thân tự biết được.
Ngành nghệ thuật nào cũng vậy, đều tạm chia ra 3 mức độ đời sống: Ngôi sao (nhóm này thường chỉ là số rất ít), các nghệ sĩ trung lưu (nhóm này chiếm chừng 30%), nhóm thứ 3 là những người có thu nhập thấp hoặc bấp bênh, dễ bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Ví dụ như các sân khấu kịch tư nhân TP.HCM, thật sự có khá ít người sống được với nghề, nếu chỉ làm một việc. Các nghệ sĩ ngôi sao sân khấu thường sẽ đóng phim, tham gia trò chơi truyền hình, đi sự kiện, quay quảng cáo, thậm chí bán hàng trên mạng… Vậy thì nhóm thứ 3 sẽ khó khăn nhiều hơn khi dịch bệnh ập đến, họ vốn yếu thế hơn trong thù lao ở công việc chính và cả các việc làm thêm, nếu có.
Với các đoàn phim cũng vậy thôi, tính bình quân thì trên 60 người/1 đoàn, ngoài đạo diễn, quay phim và các vai chính thì có thu nhập cao hơn, còn lại có thu nhập bình thường và thấp. Nhóm thu nhập thấp ở đoàn phim phải chiếm đến hơn 50%, nhưng nếu không có đại dịch, họ vẫn sống qua ngày được, vì có việc làm thì có lương đem về nhà, cơm nước đã có đoàn lo. Rảnh rỗi với họ mới là “ác mộng”, vừa không có lương, vừa tốn cơm gạo ở nhà, chưa nói cà phê, thuốc lá…
***
Sinh thời, cũng vì những biến cố từ khách quan, dịch bệnh và thực tế công việc mà vào năm 1948, ông Nguyễn Văn Phát đã đứng ra xin đất thành phố để xây trụ sở Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Lương là người tài trợ tiền xây dựng. Sau đó những nghệ sĩ như Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang, Phùng Há… đã đưa hoạt động của hội đến gần những nghệ sĩ gặp khó khăn và già neo đơn.
Từ hiệu ứng tích cực của hội này, về sau thì khu dưỡng lão nghệ sĩ, chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ… đã thành hình, cũng là nơi chăm lo những phần đời khác của nghệ sĩ. Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế bây giờ chính là Ban Ái hữu nghệ sĩ, thuộc Hội Sân khấu TP.HCM. Khu dưỡng lão nghệ sĩ hiện thuộc địa bàn quận 8, TP.HCM, nơi còn có hơn 15 nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn sinh sống.
Trong một cuộc trò chuyện với sinh viên ngữ văn - báo chí hồi đầu thế kỷ 21, NSND Phùng Há nói rằng nhiều người chú ý đến ngôi sao cũng là điều dễ hiểu, các gánh hát, các sân khấu cũng vậy, phải có ngôi sao mới mong lớn mạnh được. Nhưng trong công việc, ngôi sao cần phải có nhiều người lành nghề trợ giúp thì mới mong tỏa sáng được, nhiều người trong số trợ giúp ấy dù giữ các việc thiết yếu, nhưng gần như vô danh, sống đời thiếu thốn, neo đơn.
- Khi các nghệ sĩ trở thành những 'chiến sĩ' trên 'mặt trận' chống dịch Covid-19
- Nghệ sĩ TP. HCM chống dịch Covid-19: 'Khi nào thành phố hết dịch, chúng tôi mới hết đi'
- Thư gửi robot citizen: Nghệ sĩ cần hỗ trợ thế nào?
“Như tôi, khi về phụ việc ở Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế thì mới biết thêm chung quanh mình còn có quá nhiều nghệ sĩ cần được hỗ trợ, mà trước đó cứ tưởng ít hơn. Từ đó tôi thường nói với các nghệ sĩ đang thời danh, nổi tiếng rằng hãy biết tích lũy và tương trợ, để về sau bản thân được sống nhẹ nhàng hơn. Chính việc tương trợ, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn cũng giúp bản thân các ngôi sao biết sống khiêm nhường, tiết kiệm và gần gũi hơn” - Phùng Há nói.
Đầu năm 2019, trong một cuộc họp tại Hội Sân khấu TP.HCM, Ban Ái hữu nghệ sĩ cho biết, mỗi tháng họ chi trung bình từ 40 đến 60 triệu đồng để hỗ trợ 167 nghệ sĩ, công nhân hậu đài nghèo, già yếu, neo đơn. Số tiền này do các Mạnh thường quân đóng góp.
Chính vài điều như vừa kể, trong đại dịch, hiển nhiên số nghệ sĩ gặp khó khăn sẽ còn nhiều hơn lúc bình thường. Trong các hoạt động tương trợ Sài Gòn lúc khó khăn này, nếu có thêm các quỹ giống như của Trịnh Kim Chi, Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Văn Chung… thì các nghệ sĩ khó khăn, yếu thế sẽ có thêm động lực để theo nghề, giữ nghề.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Văn Bảy
Tags