Chúng ta đón tuần lễ cuối cùng của năm 2022 bằng một điểm nhấn thú vị: Cuối tuần qua, phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã tại Hà Nội đã khai trương và kịp đón khách trong dịp Noel.
Rộng 4,5 hecta, gồm 7 trục phố nhỏ, quần thể này nằm cạnh hồ Trúc Bạch và từ lâu đã được biết đến như một khu vực ẩm thực có tiếng của Hà Nội. Trước mắt, mô hình phố đi bộ sẽ được triển khai tại đây vào các ngày cuối tuần, trước khi mở rộng thêm sang các tối trong tuần vào giai đoạn 2.
Và với những gì được ghi nhận, trong 3 ngày từ khi khai trương, khu đi bộ Ngũ Xã luôn đông kín khách…
Cũng không khó để hình dung lịch trình của ai muốn ghé lại khu vực này: Gửi xe, lựa chọn một trong số vô vàn quán ăn để thưởng thức món phở cuốn nổi tiếng hoặc phở rán, chả ngan, lươn om miến, đi vòng quanh ngắm hồ Trúc Bạch và những đoạn phố được trang trí đèn lồng khá lãng mạn. Rồi, nếu cao hứng, du khách có thể tiếp tục sang trục đường Thanh Niên của Hồ Tây cạnh đó, hoặc thậm chí tới phố cổ Hà Nội - vốn cũng không xa - để có một buổi tối trọn vẹn cho mình.
Cũng khá thú vị, làng nghề Ngũ Xã vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng xưa, trong khi như những gì kể lại, món phở cuốn chỉ mới ra đời tại đây từ 20 năm trước. Thế nhưng, nét riêng của món ăn bình dân này, cũng như vị trí của bán đảo Ngũ Xã, lại khiến người ta liên tục tìm về, để rồi cả một "hợp tác xã" phở cuốn ra đời.
Và nhìn ở góc độ quy hoạch, quần thể không gian này cũng có rất nhiều ưu điểm để trở thành một cụm phố đi bộ hoàn hảo: Nằm ở trung tâm, có sẵn "hệ sinh thái" ẩm thực với thương hiệu được biết đến từ lâu, có mặt nước của hồ Trúc Bạch, lại ngăn cách biệt lập với các trục phố xung quanh khi chỉ ra - vào bằng 2 cây cầu tại Ngũ Xã và Trấn Vũ. Chưa hết, chắc chắn một ngôi chùa Ngũ Xã (từng được công nhận là di tích cấp Quốc gia) nằm giữa quần thể ấy cũng sẽ tạo thành một điểm nhấn đặc biệt sau này.
Ghé qua phố đi bộ Ngũ Xã để tìm một trải nghiệm khác biệt so với cụm phố đi bộ Hồ Gươm, đó là tâm lý chung của những ai đã và sẽ đặt chân tới đây trong dịp cuối tuần.
***
Cần nhắc lại, Đảo Ngọc - Ngũ Xã là không gian đi bộ thứ tư xuất hiện tại Hà Nội. Trước đó, chúng ta đã lần lượt có mô hình này tại các cụm không gian quanh Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn và thành cổ Sơn Tây.
Trong số này, cụm phố đi bộ Hồ Gươm (được khai trương năm 2016 và mở rộng dần theo thời gian) là trường hợp thành công và được biết tới nhiều hơn cả. Sự xuất hiện của nó có thể coi là cột mốc đánh dấu việc đáp ứng cho một nhu cầu mới của cộng đồng về giải trí, thư giãn khi đời sống được nâng cao - và ngược lại, cũng là sự phát triển tất yếu của không gian đô thị trong bối cảnh hiện tại.
Và cũng từ Hồ Gươm, những năm qua, chúng ta dần nhắc tới việc thiết lập thêm những khu phố đi bộ khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng. Đơn cử, ngoài 4 phố đi bộ hiện có, 2 trường hợp đang được cân nhắc tổ chức là các phố đi bộ tại hồ Thiền Quang và hồ Ngọc Khánh.
Nhưng, sự xuất hiện thêm của những phố đi bộ mới cũng đồng nghĩa với những bài toán mới về tổ chức - khi mà một không gian dành cho phố đi bộ luôn cần đảm bảo rất nhiều yếu tố đặc thù. Điển hình, sau trường hợp của Hồ Gươm, nếu phố đi bộ tại thành cổ Sơn Tây ít nhiều cho thấy những dấu hiệu tích cực khi đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư tại chỗ thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn lại thường xuyên vắng khách, bởi thiếu bản sắc riêng và sức hấp dẫn riêng của mình.
Ngay cả với phố đi bộ Ngũ Xã, dù đông khách trong những ngày đầu tiên, việc đảm bảo những đặc thù của khu vực này - một không gian ẩm thực bình dân, thiên về dịch vụ - cũng cần được duy trì trước khi nghĩ tới những bước phát triển xa hơn, để giữ nguyên sức hấp dẫn hiện có.
Có thêm những phố đi bộ là tín hiệu vui, và cũng là những bài toán để tạo ra những điểm đến đa dạng của một đô thị.
Tags