(Thethaovanhoa.vn) - Tuần mới này, chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 2021).
Nói đến đoàn viên thanh niên là nói về một thế hệ đang ở độ tuổi trẻ trung, sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Alfred Tennyson: “Tuổi 20 thì tinh thần ngự trị, tuổi 30, ý chí ngự trị. Tuổi 40 thì phán đoán ngự trị”. Chính vì “tinh thần ngự trị” cho nên trong công việc, tuổi trẻ hầu như không toan tính cá nhân, luôn sẵn sàng được cống hiến hết mình.
40 năm trước, so với bạn bè cùng trang lứa, tôi thuộc diện vào Đoàn muộn, phải đến năm cuối cấp 3 (THPT) mới được kết nạp. Tôi vẫn nhớ buổi lễ kết nạp năm ấy, không khí trang nghiêm và cũng rất khí thế, nhất là khi tất cả cùng hát “Cùng nhau ta đi lên, theo bước Đoàn Thanh niên…”. Giây phút được phát huy hiệu Đoàn và cầm nó trên tay, cảm thấy rưng rưng vì mình đã trở thành một “thanh niên” thực thụ.
Nhưng phải đến khi vào bộ đội, tôi mới thực sự thấu hiểu ý nghĩa và sứ mệnh của 3 chữ “Đoàn Thanh niên”. Đó chính là quãng thời gian tôi được bầu làm bí thư chi đoàn của đơn vị. Thực sự cũng rất vất vả. Thường thì chỉ huy đơn vị mỗi khi có công việc gì cần sự sáng tạo hay là sự chung tay giúp sức là sẽ gọi bên Đoàn lên, giao nhiệm vụ, đúng với tinh thần “việc gì khó có thanh niên”.
Chúng tôi tham gia xây dựng doanh trại mới, đi khai hoang, lập khu tăng gia sản xuất… rồi đi giúp dân trên địa bàn, đào mương thủy lợi. Có những đợt mùa mưa, người dân gần nơi đóng quân bị ngập lụt, giao thông tê liệt, xe cứu trợ không vào được. Chi đoàn xã lại vào đơn vị nhờ bên chi đoàn đơn vị đứng ra tổ chức bốc dỡ hàng, rồi anh em phải đi bộ gùi hàng đến những nơi ngập úng giúp đỡ bà con…
Vui nhất khi làm công tác Đoàn có lẽ là những dịp tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các chi đoàn địa phương kết nghĩa trên địa bàn đóng quân. Cũng từ những hoạt động ấy, đã có không ít những đôi lứa tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Đó cũng là thời gian tôi được sống và làm việc đúng với tinh thần của tuổi trẻ, được cống hiến sức trẻ xây dựng đơn vị, được học thêm nhiều kỹ năng sống mà tôi vẫn sử dụng đến tận bây giờ. Cảm ơn chi đoàn của tôi.
***
Trong lịch sử 90 năm của mình, tổ chức Đoàn luôn có những phong trào sôi nổi, lành mạnh, thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, hưởng ứng trên khắp vùng miền đất nước.
Tôi ấn tượng nhất với phong trào “Ba sẵn sàng”. Lật lại lịch sử, tôi được biết, vào những năm 1960, BCH Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” với 3 nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp:Bất kỳ đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến; Bất kỳ làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kỳ chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.
Tháng 5/1964, phong trào này đã mở rộng thành “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Đêm 9/8/1964 tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng tập trung khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn đã đọc lời kêu gọi “Ba sẵn sàng” tới thanh niên Thủ đô. Tháng 3/1965 Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào….
Nhiều năm trở lại đây, chúng ta lại chứng kiến các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Thanh niên lập nghiệp”…Đó là những phong trào có sức lan tỏa lớn. Mà để làm nên sức lan tỏa đó, rất cần phải khơi dậy tinh thần “sẵn sàng” của thanh niên. Nhìn lại mới thấy, chi đoàn đơn vị chúng tôi năm xưa, một cách tự nhiên đã luôn “sẵn sàng” làm mọi nhiệm vụ mà đơn vị và nhân dân cần.
Nội dung từng phong trào của Đoàn có thể thay đổi theo tình hình thực tiễn, nhưng chắc chắn rằng tinh thần “sẵn sàng” sẽ không bao giờ thiếu được.
Quốc Khánh
Tags