Chúng ta bước sang một tuần mới với 2 thông tin rất tích cực về hệ thống công viên tại Hà Nội. Và khá thú vị, 2 công viên này đều nằm trên địa bàn quận Long Biên, khu vực đang phát triển mạnh tại phía Đông thành phố.
Cụ thể, dịp 10/10 vừa qua, công viên Ngọc Thụy tại Long Biên vừa khánh thành sau gần một năm xây dựng, với tổng diện tích gần 7 hecta. Trong khi đó, có diện tích rộng gấp đôi (15,7 hecta), dự án cải tạo công viên Việt Hưng cũ (nay là công viên Long Biên) cũng sắp về đích vào đầu tháng 11 tới.
Những hình ảnh đang tràn ngập trên không gian mạng cho thấy công viên Ngọc Thụy có thiết kế khá hiện đại với tính thẩm mỹ cao. Quần thể này có tới một nửa diện tích là mặt nước, còn lại là quảng trường, sân thể thao, cây xanh, khu vui chơi trẻ em. Đặc biệt, đây là không gian hoàn toàn mở (không có tường rào bao quanh), giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận những điểm nhấn trong quần thể như núi nhân tạo, cầu dẫn trên mặt hồ, điểm dừng nghỉ có mái che, đài phun nước...
Ở trường hợp còn lại, công viên Việt Hưng (hình thành cùng khu đô thị Việt Hưng) từng có một thời gian dài rơi vào tình trạng thiếu duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm sử dụng. Và dù chưa hoàn thiện, những gì đang diễn ra cũng cho thấy, quần thể này đang lột xác khi được cải tạo và bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh, mặt nước, đường dạo bộ… để trở thành một điểm nhấn của khu vực.
Như thế, những gì đang diễn ra càng khiến cộng đồng đặt kì vọng vào việc "nhân rộng" chúng ở tương lai: Theo chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội, từ nay cho tới năm 2025, thành phố sẽ được xây dựng thêm 6 công viên mới, đồng thời cải tạo, chỉnh trang nhiều công viên hiện có.
***
Những thống kê hiện tại cho thấy, tại Hà Nội hiện có hơn 60 công viên, với tổng diện tích ước chừng 300 ha. Rõ ràng, đó là một con số không nhiều, nếu nhìn vào diện tích chung của toàn thành phố.
Ở góc độ khác, cũng phải nhắc lại một thực tế từng được chỉ ra: Số lượng và quy mô của các công viên tại Hà Nội phân bố không đều. Đa phần những công viên lớn thường được quy hoạch tại các khu vực mới phát triển, có quỹ đất dồi dào - trong khi khu vực các quận nội thành cũ không dễ bổ sung thêm những công viên có quy mô bởi vấn đề giá đất.
Việc "tối ưu hóa" các công viên hiện có về giá trị sử dụng cũng như các chức năng đặc thù, đồng thời từng bước bổ sung những công viên mới theo quy hoạch, là bước đi hợp lý và tất yếu trong bối cảnh hiện tại. Nhưng để cộng đồng có thêm cơ hội thụ hưởng bền vững những không gian xanh công cộng này, câu chuyện không dừng ở đó.
Chắc chắn, về lâu dài, chúng ta không thể mãi trông đợi vào ngân sách để xây dựng công viên, cũng như không nên mong Nhà nước tiếp tục "bao cấp" để vận hành và gìn giữ một hệ thống công viên vốn sẽ càng nhiều hơn trong tương lai. Đó phải là câu chuyện của việc huy động các nguồn lực xã hội.
Cho phép kinh doanh những dịch vụ nhất định để "đổi" lấy việc vận hành, gìn giữ các công viên hiện có; quy hoạch công viên mới và xây dựng bằng việc đấu giá quỹ đất xung quanh (sẽ có giá trị rất cao); có những cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công viên…, đó đều là những giải pháp xuất hiện từ lâu trên thế giới và hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, với một cơ chế đủ linh hoạt và minh bạch.
Trong "cơn khát" công viên tại Hà Nội, hãy cứ hi vọng rằng sự xuất hiện của 2 công viên tại quận Long Biên sẽ là cú hích mới, để chúng ta thêm quyết tâm bổ sung những không gian như vậy cho thành phố.
Tags