Đường sách thành phố Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/12/2023. Nhân dịp này, nhiều sự kiện về văn hóa đọc sẽ được tổ chức ở đường sách này cho đến hết ngày 1/1/2024.
Thủ Đức là thành phố trực thuộc TP.HCM có nhiều trường đại học, tập trung đông học sinh, sinh viên. Sự kiện "thành phố trẻ" này chính thức có đường sách của riêng mình, hy vọng sẽ khích lệ, xây dựng thói quen đọc ở các độc giả trẻ, đối tượng chính trong công cuộc nuôi dưỡng tình yêu sách vở.
Đường sách thành phố Thủ Đức tọa lạc trên đường Hồ Thị Tư, tiếp nối đường sách ở Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) và các đường sách ở Hà Nội, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Cao Lãnh… Mô hình đường sách ở các thành phố đáng được nhân rộng và thiết nghĩ mỗi thành phố nên có một đường/phố sách của riêng mình, nhằm góp phần vào mục tiêu chung là phát triển văn hóa đọc trên cả nước.
Tuy nhiên, nhìn qua hoạt động của các đường sách - trừ đường sách Cao Lãnh vẫn còn non trẻ, cần quan sát thêm - ở Hà Nội, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột đều trong tình trạng khá vắng vẻ. Chỉ có Đường sách Nguyễn Văn Bình ở quận 1, TP.HCM vẫn hoạt động sôi nổi với nhiều sự kiện văn hóa, bán được sách, thu hút đông đảo độc giả và du khách.
Được như vậy bởi Đường sách Nguyễn Văn Bình ở quận 1 có nhiều yếu tố thuận lợi. Ngoài việc là đường sách ở quận của thành phố năng động, mua sắm bậc nhất của cả nước, vị trí đường sách lại rất đắc địa, gần các điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất...
TP.HCM còn có đường sách cũ Trần Nhân Tôn (quận 5), đường sách "siêu" chiết khấu Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận)… đã hoạt động mấy chục năm nay, tạo nên một "tam giác" hiệu ứng về mua sách. Nói nôm na, chỉ cần khoảng 2-3 tiếng là lướt qua được tam giác này để tìm sách.
Mưa nắng cũng là một vấn đề của các sự kiện ngoài trời ở đường sách, nhất là mùa mưa. Chưa kể, thói quen mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng hiện nay. Chẳng phải chợ truyền thống nổi tiếng như Bến Thành cũng phải nhờ các "streamer" đến kêu gọi "giải cứu trực tuyến" sau một thời gian kinh doanh ế ẩm. Sách vở ngày nay cũng thế, các công ty sách cũng đã tiếng hành "live stream" trên các nền tảng mạng xã hội để bán hàng.
Việc các "streamer" có đóng vai trò quyết định trong xuất bản ở Việt Nam hay không, hoặc đây chỉ là một trào lưu, dù mạnh mẽ, nhưng sẽ sớm thoái trào? Chúng ta cần thêm thời gian quan sát. Nhưng thực tế hôm nay, các cửa hàng bán sách, các phố sách, đường sách cũng đang cạnh tranh với các kênh bán hàng trực tuyến này. Và biết đâu chừng, đến một ngày, các "streamer" sẽ đến các đường sách để "vực dậy" việc bán sách như đang vực dậy chợ truyền thống?
Nhưng một nền xuất bản, hoặc sự đọc không thể phụ thuộc chỉ vào các cá nhân như thế. Rõ ràng, các cửa hàng, đường sách, phố sách trước những thách thức mới của thời cuộc, cần có những phương án dài lâu hơn. Không thiếu cảnh đường sách sớm nở tối tàn như đã từng xảy ra ở Huế.
Nếu mỗi thành phố trên cả nước có một đường/phố sách hoạt động tốt, thì có thể trở thành nơi tôn vinh, nuôi dưỡng sự đọc. Một đường sách là cần thiết với điều kiện nó gắn bó chặt chẽ hơn với ngành xuất bản. Mô hình đường sách có thể hy vọng sẽ trở thành một trạm trong các chuyến giao lưu toàn quốc của các tác giả có sách bán chạy, nếu việc này được triển khai, cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các hoạt động như thế diễn ra.
Mới đây, trong buổi ra mắt sách của một người thầy, ông kể lại thời những tác phẩm đầu tay in được 5.000 bản, còn tác phẩm mới nhất chỉ in… 500 bản. Qua đó, có thể thấy sự đọc ở ta vẫn chưa mạnh. Một phần do thời thế, khi mà các phương tiện nghe nhìn lên ngôi. Thị trường xuất bản vẫn chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Chính các đường sách ở các tỉnh thành có thể là cơ sở cho các hoạt động quảng bá, vung đắp văn hóa đọc ở địa phương.
Tags