(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng. Nhiều trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà nhưng chất thải phát sinh từ sinh hoạt chưa được quản lý, phân loại, thu gom riêng như chất thải lây nhiễm mà được thải bỏ chung với rác thải sinh hoạt thông thường... Trong khi đây cũng là một trong những nguồn lây dịch bệnh cho cộng đồng.
Cần quản lý chặt chất thải của F0 tại nhà
Anh N.H.V, trú tại khu tập thể Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, gia đình anh có 4 người thì cả 4 người đều lần lượt mắc COVID-19 trong vòng 1 tuần. Trong thời gian cách ly tại nhà, gia đình vẫn thu gom rác sinh hoạt vào chung một túi như trước đây rồi để ở trước cửa nhờ người vứt hộ. Anh Việt cho biết, khi thông báo cả gia đình mắc COVID-19 đến trạm y tế phường, anh chỉ được hướng dẫn tự cách ly tại nhà 7 ngày rồi test lại mà không được hướng dẫn việc phân loại rác của người bệnh.
Trong khi đó, anh B.A.T, Khu tập thể N6C, đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, khi biết vợ bị mắc COVID-19 và được hướng dẫn cách ly tại nhà, anh đã cẩn thận phân loại rác thải sinh hoạt của người mắc bệnh và người khỏe mạnh vào các túi riêng. Túi đựng rác của người mắc bệnh có đính kèm giấy được anh tự tay ghi “rác của F0”. Anh Tuấn cho biết, sau vài lần đi vứt rác nhưng chỗ thu gom rác không có nơi phân loại riêng, người thu gom rác cũng gộp chung vào một xe đẩy cùng với các loại rác khác nên sau vài lần phân loại thì anh đã gộp chung rác của cả nhà như trước kia.
Còn với gia đình chị P.T.H, tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, cả 4 người trong gia đình chị đều mắc COVID-19 trong thời gian qua. Vì đều là F0 nên những người trong gia đình chị Hạnh cách ly điều trị tại nhà, nhưng mỗi người vẫn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng của mình. Mỗi ngày thải bỏ mấy chiếc khẩu trang, cả quá trình cách ly, gia đình thải ra vài chục chiếc khẩu trang và một số dụng cụ y tế (găng tay, bộ sinh phẩm xét nghiệm) đã qua sử dụng, nhưng nhà chị vẫn bỏ chung vào thùng chứa rác sinh hoạt thông thường. Chị Hạnh cho biết: “Gia đình tôi không được hướng dẫn về cách phân loại rác cho người mắc COVID-19 và thấy nhiều người xung quanh mắc bệnh này cũng không phân loại rác mà vẫn thu gom rác chung như trước đây”.
Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa được chú ý đúng mức.
Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn xử lý, vận chuyển chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ đạo công tác tăng cường năng lực xử lý chất thải an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý chất thải của người bệnh cách ly tại nhà, đặc biệt trong việc phân loại, thu gom chất thải. Trong đó, tiếp tục triển khai các việc như: thu gom tại các hộ dân sống tại khu chung cư, khu đô thị tập trung (có đơn vị quản lý hạ tầng khu vực); thu gom tại các hộ dân cách ly tại nhà riêng lẻ trong khu dân cư. Chất thải được thu gom, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế và chuyển về các điểm tập kết tại các địa phương và chuyển giao cho các cơ sở xử lý đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong việc điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19, tất cả các loại rác thải như: khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ (các vật dụng: ly, chén, dĩa, hộp bằng giấy, nhựa dùng trong ăn uống) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ COVID cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương.
Đây là quy định đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Song, trên thực tế, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.
Ngoài ra, việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...
Trên toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế. Các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án thu gom và xử lý chất thải phát sinh do COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt do các ca bệnh cách ly tại nhà tăng nhanh trong thời gian qua, có tính đến phương án dự phòng trong trường hợp quá tải.
Tại phiên chất vấn ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng khẳng định, các quy định về việc xử lý rác thải nguy hại đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư, hướng dẫn. Đối với việc xử lý chất thải liên quan đến dịch COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt. Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở có đủ năng lực xử lý chất thải nguy hại...
Tránh nguy cơ lây lan dịch
Do các ca F0 cách ly tại nhà tăng nhanh trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án thu gom, xử lý chất thải phát sinh do COVID-19 trên địa bàn.
Các cơ quan tại địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở công ích, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn xây dựng lộ trình thu gom, vận chuyển hợp lý, bố trí các thùng chứa và phương tiện vận chuyển riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu gom chất thải phát sinh từ gia đình có người cách ly tại nhà theo các khung giờ cố định và chuyển tới cơ sở xử lý.
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường.
- Quản lý chặt chất thải từ các F0 điều trị Covid-19 tại nhà
- Quản lý chất thải đúng cách để bảo tồn nguồn nước
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại riêng biệt, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với chất thải sinh hoạt.
Các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị công ích, thu gom chất thải để xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn, trong đó có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có ca F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý theo quy định, giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Mặt khác, đề phòng trường hợp các gia đình có người mắc COVID-19 nhưng không phát hiện ra hoặc gia đình có người nhiễm nhưng không phân loại chất thải đúng theo quy định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý có biện pháp hạn chế tiếp xúc với rác thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là liên quan đến công đoạn thu gom các chất thải nhựa tái chế dùng một lần như bát, đũa, thìa, cốc nhựa nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch.
Hoàng Nam/TTXVN
Tags