Châu Âu vẫn chìm trong cơn sóng lạm phát

Thứ Tư, 02/11/2022 11:45 GMT+7

Google News

Lạm phát trong tháng 10/2022 ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lên tới 10,7%, tăng so với mức tăng 9,9% của tháng 9 và vượt mức dự báo 10,2% được đưa ra trước đó.

Các nước ứng phó với lạm phát thế nào?

Các nước ứng phó với lạm phát thế nào?

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến đại dịch COVID-19 cộng với tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng, hàng hóa và các nhu yếu phẩm cơ bản tăng vọt.

Đức, Italy, Pháp có mức lạm phát cao nhất

Theo các nhà chuyên môn, với mức tăng 10,7%, đây là tốc độ lạm phát nhanh nhất của Eurozone kể từ năm 1997. Bên cạnh yếu tố chính thúc đẩy lạm phát "leo thang" là giá năng lượng tăng cao, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu cũng tác động phần nào về mặt bằng chung chi phí sinh hoạt. Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết Đức, Italy và Pháp là ba quốc gia có mức lạm phát cao nhất.

Tỷ lệ lạm phát ở Đức đã tăng 10,4% trong tháng 10, cao hơn so với mức kỷ lục 10% ghi nhận trong tháng trước đó. Giá năng lượng và thực phẩm tăng, trong đó giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 10% so với cùng tháng năm ngoái, là những nguyên nhân chính khiến lạm phát tiếp tục gia tăng tại nước này. Tỷ lệ lạm phát cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng, vốn được xem như một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù chính phủ liên bang vừa thông qua gói hỗ trợ tiêu dùng và năng lượng trị giá 200 tỷ euro (hơn 199,5 tỷ USD), nhưng cho đến nay, chi tiết về kế hoạch "phanh giá năng lượng" vẫn còn bỏ ngỏ. Ngân hàng Trung ương Đức nhận định tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số trong vài tháng tới. Gầu hết các chuyên gia đều dự đoán về một cuộc suy thoái mùa Đông, do giá cả tiếp tục tăng cao đang làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ thu hẹp trong những quý tới và rơi vào suy thoái.

Chú thích ảnh
Người dân bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Berlin, Đức, ngày 11/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Lạm phát tại Italy đã tăng 11,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên lạm phát quốc gia lên mức 2 con số kể từ khi Italy chuyển sang sử dụng đồng euro vào năm 1999. Nguyên nhân chính đẩy lạm phát leo thang là chi phí năng lượng tăng mạnh; giá các loại thực phẩm cũng tiếp tục tăng mạnh, cho thấy áp lực lạm phát đang lan rộng trong mọi lĩnh vực.

Trong khi đó, chịu sự chi phối của giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng cao, lạm phát của Pháp trong tháng 10 đã có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985 - tăng 6,2% so với năm 2021. Thực phẩm một trong những nhóm hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất, gần 12% và điều này khiến nhiều hộ gia đình phải chi phần lớn ngân sách hằng tháng tại các siêu thị. Giá năng lượng tăng gần 20% mặc dù chính phủ đã có biện pháp can thiệp hỗ trợ hóa đơn chi trả cho người dân để kiềm chế mức lạm phát ở mặt bằng thấp giống như nhiều quốc gia láng giềng châu Âu khác. 

Tăng lãi suất là biện pháp hữu hiệu?

Trong bối cảnh các cơ quan giám sát tiền tệ châu Âu đang phải gồng mình ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 27/10 vừa qua đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua hàng hoá tại siêu thị ở Saint-Sebastien-sur-Loire, miền Tây Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó tại cuộc họp ngày 21/7, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5% ở khu vực Eurozone lần đầu tiên sau 11 năm và tới ngày 8/9, ECB tiếp tục tăng lãi suất 0,75%, mức tăng cao nhất trong một lần của ngân hàng này. Các biện pháp của ECB được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Eurozone tiếp tục tăng trong tháng 9 lên mức cao kỷ lục.

Trong 3 tháng qua, ECB đã điều chỉnh lãi suất tăng tổng cộng 200 điểm cơ bản và nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15/12 tới để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng sẽ làm những gì phải làm, đó là việc tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo các nhà kinh tế, việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng lãi suất cao hơn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, đồ nội thất, các mặt hàng tiêu dùng khác, hoặc các dịch vụ giải trí và văn hóa. Giới chuyên gia nhận định nếu việc điều chỉnh chính sách tiền tệ giúp giảm tỷ lệ lạm phát của hàng hóa xuống 1 điểm phần trăm, thì tỷ lệ lạm phát chung sẽ chỉ giảm 0,51 điểm phần trăm.

Liên quan đến câu chuyện tăng lãi suất để giảm lạm phát, tạp chí Eurasia Review đã dẫn cảnh báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) rằng các động thái chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến có nguy cơ đẩy thế giới tới suy thoái toàn cầu và trì trệ kéo dài, gây thiệt hại nặng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc đại dịch COVID-19 vào năm 2020. UNCTAD nhận định, việc tăng lãi suất nhanh chóng và thắt chặt tài khóa ở các nền kinh tế tiên tiến kết hợp với các cuộc khủng hoảng khác do dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình suy thoái toàn cầu và việc “hạ cánh mềm” khó có thể xảy ra. Theo UNCTAD, bất kỳ niềm tin nào cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ có thể hạ giá bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn mà không tạo ra suy thoái kinh tế là một canh bạc mạo hiểm.

Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›