(Thethaovanhoa.vn) - Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồ Di tích Cố đô Huế cho biết: “Quyết định trên được đưa ra tại Phiên họp thứ 2 ngày 14/5 của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) đang tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia”.
Tại hội nghị này, các chuyên gia của Tiểu ban đăng ký của MOWCAP, cũng như các quốc gia thành viên đã đánh giá cao tính xác thực, độc đáo, duy nhất, tính quý hiếm... giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực cũng như quốc tế. Chính vì vậy hồ sơ Châu bản triều Nguyễn đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự hội nghị để lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Châu bản triều Nguyễn được hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên Hoàng đế phê duyệt và văn bản của các Hoàng đế ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao.
Toàn bộ khối Châu bản triều Nguyễn hiện nay được lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam.
Tờ châu bản có chữ ký và ngự phê của Vua Bảo Đại có nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do ông Phan Thuận An tìm thấy tại tủ sách gia đình ở phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (em Vua Khải Định và là cô ruột Vua Bảo Đại).Châu bản gồm hơn 700 tập tài liệu gốc của 11/13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó lưu bút tích phê duyệt của 10 vị Hoàng đế trên văn bản. Đây là khối tài liệu chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ mọi mặt các vấn đề của xã hội dưới triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế...
Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu...
Theo ông Phan Thanh Hải, Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945. Châu bản triều Nguyễn cũng là số ít các tài liệu trên thế giới lưu giữ bút tích các Hoàng đế phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản; Châu bản triều Nguyễn phản ánh toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, đặc biệt là quá trình biến đổi từ một xã hội thuần phong kiến sang phong kiến nửa thuộc địa qua cuộc xâm lăng của thực dân Pháp...
Sau khi chấm dứt giai đoạn trị vì năm 1945, Châu bản trở thành nguồn tư liệu gốc đặc biệt quý giá để nghiên cứu về triều Nguyễn giai đoạn lịch sử phong kiến cuối cùng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Những năm gần đây, Châu bản ngày càng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm khai thác. Châu bản triều Nguyễn cũng góp phần làm chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Như vậy tính đến nay, Châu bản triều Nguyễn là tư liệu thứ tư của Việt Nam được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012).
Trần Ngọc
Tags