Châu bản triều Nguyễn: Tư liệu vô giá để khôi phục các di sản

Thứ Tư, 01/10/2014 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tồn tại 143 năm (1802-1945), triều Nguyễn đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá; trong đó, hệ thống di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế… đã được công nhận là di sản thế giới. Gần đây nhất, Châu bản triều Nguyễn cũng được ghi danh vào chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Đây là di sản tư liệu thứ tư của Việt Nam được thế giới công nhận (sau Mộc bản triều Nguyễn, 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm). Phóng viên Thể thao & Văn hóa đã phỏng vấn Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn:

* Xin ông khái quát đôi nét về Châu bản triều Nguyễn?

- Đối với di sản văn hóa của dân tộc, châu bản là một di sản có giá trị lớn. Đó là ký ức của lịch sử, là nguồn sử liệu gốc có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, do những điều kiện lịch sử đặc biệt, hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đều không còn lưu giữ được nguồn tài liệu quý báu này, trừ triều Nguyễn (1802-1945). Trong thời gian tồn tại 143 năm, triều Nguyễn đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, trong đó có châu bản mà chúng ta đang đang đề cập đến.

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ và các tờ truyền, sai, phó, khiển, di (loại công văn của các cơ quan, tổ chức nhà nước) thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm và ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo "phiếu nghĩ" của Nội Các, Lục Bộ sau đó trực tiếp cho ý kiến đồng ý hay phủ nhận.

Còn ngự phê là ý kiến chỉ đạo, phê bình hay bổ sung của nhà vua dưới dạng một đoạn văn dài hay vắn tắt đều viết bằng chữ son (châu phê), hay chấm son (châu điểm) điểm lên đầu chữ tấu biểu thị vua đã xem và chấp nhận, hay vòng khuyên đỏ (châu khuyên) lên tên người hay sự vật được lựa chọn, hay quẹt một nét son lên tên người hoặc câu văn nếu phủ nhận (gọi là châu mạt, châu cải). Vì thế tất cả các văn bản đã được vua ngự lãm và châu phê đều gọi là châu bản.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trái) sưu tầm và bàn giao tờ châu bản có bút phê của vua triều Nguyễn cho Sở văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý.

Như vậy, Châu bản triều Nguyễn loại văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến thời Nguyễn từ trung ương đến địa phương. Nội dung văn bản phản ánh một cách toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt Nam trong thời gian tại vị của 13 đời vua Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945).

Để quản lý và lưu trữ loại văn bản hành chính này, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long cho đến Bảo Đại đều rất quan tâm đến công tác quản lý, lưu trữ và bảo tồn văn thư nói chung và châu bản nói riêng. Điều này được thể hiện ở việc vua đặt các chức quan và cơ quan trông coi công tác lưu trữ  văn thư của nhà nước, trong đó có châu bản. Đặc biệt là vua Minh Mạng đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp về lưu trữ văn bản nhà nước, sổ sách, nhằm phục vụ cho công tác quản lý điều hành lúc bấy giờ và bảo tồn lâu dài cho hậu thế.

* Vậy, việc kế thừa quản lý, lưu trữ và sử dụng Châu bản triều Nguyễn hiện nay ra sao, thưa ông?

- Sau khi triều Nguyễn cáo chung (tháng 8/1945), những tác động của chiến tranh và thời gian sau đó đã làm một phần lớn khối lượng châu bản bị hư hỏng, mất mát. Năm 1959, Viện Đại học Huế tiếp nhận toàn bộ thư tịch và châu bản triều Nguyễn còn lại tổng cộng còn 614 tập, thuộc 10 đời vua Nguyễn.

Thời gian tiếp theo là cả một hành trình luân chuyển của châu bản, cuối năm 1963 đến đầu năm 1964, châu bản được chuyển lên Đà Lạt theo Viện Văn Hóa, đến năm 1978 lại chuyển về kho Lưu trữ quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm luân chuyển qua nhiều nơi, nay khối tài liệu châu bản triều Nguyễn đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho chuyển về Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội, nhằm tìm cách khắc phục những văn bản hư hỏng, và khai thác bước đầu những giá trị to lớn của khối văn bản này.

Hiện nay, khối tài liệu châu bản triều Nguyễn đã và đang được bảo tồn bằng các phương pháp hiện đại, việc thực hiện mục lục hoàn chỉnh và đưa ra khai thác sử dụng phục vụ tham khảo nghiên cứu khoa học cũng đã được làm tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, đối với Huế, nơi ra đời của châu bản triều Nguyễn, sẽ là vô cùng hữu ích và có ý nghĩa nếu châu bản bằng cách này hay cách khác, được bảo tồn và phát huy giá trị tại đây. Bởi Cố đô Huế hiện nay đang gìn giữ, bảo tồn cả một quần thể di tích kiến trúc đồ sộ vốn là kinh đô của triều Nguyễn và những di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích cũng như các di sản văn hóa phi vật thể đó là một trách nhiệm rất nặng nề và đòi hỏi những kiến thức sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc, nhất là trong giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. 

Vì thế, Huế là nơi cần nhất những thông tin quý giá chứa đựng trong châu bản. Chẳng hạn, việc đưa khối tài liệu đồ sộ và có giá trị cao như châu bản, dưới hình thức nào đó (chẳng hạn như bản số hóa) về phục vụ nhu cầu này chắc chắn sẽ là một việc làm phù hợp và có ý nghĩa.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Mặt khác, hiện nay và trong tương lai gần, những công trình kiến trúc tại cố đô Huế vốn gắn liền với sự hình thành của châu bản như Tả vu (của điện Cần Chánh), Đông Các, trụ sở của Viện Văn hóa, Tàng Thơ Lâu… đã và sẽ được được phục hồi thì việc đưa châu bản về với Huế để trưng bày, khai thác, phát huy giá trị là hết sức cần thiết. Cụ thể hơn, đối với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế, có thể thấy vai trò của châu bản rất quan trọng ở các khía cạnh sau: Huế là thành phố Fetival đặc trưng của Việt Nam, nơi đã tổ chức phục dựng thành công rất nhiều lễ hội cung đình gắn liền với triều Nguyễn nhằm phục vụ phát triển văn hóa, du lịch, đồng thời quảng bá được những nét văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất cố đô.

* Cụ thể, làm thế nào để Huế phát huy những giá trị to lớn của Châu bản triều Nguyễn như nội dung ông vừa đề cập?

- Hiện tại, Huế rất cần những thông tin đã được ghi chép trong châu bản, chẳng hạn thông tin về việc bài trí, soạn nghi lễ, nghi thức làm lễ ở đàn Nam Giao, Xã Tắc, lễ tế ở các miếu, các nghi thức về nhạc lễ, múa cung đình, tuồng cung đình, các nhạc khí... Việc bảo tồn, trùng tu các di tích làm thế nào vẫn đảm bảo được tính nguyên gốc của nó đang là một vấn đề hết sức cần thiết. Hơn nữa, những ghi chép về công năng sử dụng, cách bài trí, các nghi lễ diễn ra trong từng cung điện dưới triều Nguyễn ở châu bản cũng có thể giúp cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý có hướng sử dụng các di tích sau khi đã trùng tu, phù hợp với cuộc sống đương đại và phát huy hiệu quả đối với phát triển du lịch.

Đáng lưu ý, lần đầu tiên tại Festival Huế 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ "Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945". Triển lãm trưng bày 150 phiên bản thuộc khối Châu bản triều Nguyễn từ hơn 700 tập, có niên đại từ Vua Gia Long đến Vua Bảo Đại (1802-1945), chia làm 10 phần, giới thiệu bút phê của các hoàng đế: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Toàn bộ không gian của triển lãm có phần giới thiệu chung, mỗi phần có giới thiệu riêng; mỗi tài liệu được thuyết minh cụ thể về hình thức cũng như nội dung ngự phê của các vua triều Nguyễn.

Bút phê của vua Gia Long, vua Minh Mệnh, vua Thiệu Trị thể hiện uy quyền của các hoàng đế nhà Nguyễn, nhưng sau đời vua Tự Đức, khi đất nước gặp lâm nguy thì bút phê của các hoàng đế thể hiện quyền hạn của triều đình Huế bị thu hẹp do một số quyền đã bị người Pháp nắm giữ. Phần cuối cùng của triển lãm, giới thiệu bút phê của vua Bảo Đại là vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông sang Pháp du học từ nhỏ nên được tiếp cận những tư tưởng tiến bộ. Nhưng sau khi trở về nước, Bảo Đại trong cương vị làm vua một nước nô lệ. Không dám dấn thân chống Pháp như Vua Hàm Nghi, Vua Thành Thái, Vua Duy Tân, ông để cho sở thích lao theo thú tiêu khiển thể thao, săn bắn.....

Bút phê của vị hoàng đế này trên Châu bản bằng ba loại văn tự Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm, châu phê, châu cải, châu sổ. Ngự phê của vua Bảo Đại tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao...

Triển lãm tài liệu lưu trữ "Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945)" đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu Châu bản triều Nguyễn đến với công chúng các hình thức ngự phê của các hoàng đế triều Nguyễn. Qua đó, phần nào cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng chỉ đạo của nhà vua trên văn bản cũng như cách thức phê duyệt trong chế độ văn thư triều Nguyễn. Triển lãm còn giúp cho người xem tiếp cận những nội dung trên tài liệu để có những đánh giá khách quan, toàn diện về lịch sử của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, cũng như có hướng tiếp cận Châu bản triều Nguyễn phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình.

* Xin cám ơn ông!

Quốc Việt (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›