Châu Kiệt Luân được khen vì để con thoải mái, tự do sáng tạo.
Châu Kiệt Luân (sinh năm 1979) là một ca sĩ, nhạc sĩ, rapper, nhà sản xuất âm nhạc, diễn viên, đạo diễn, doanh nhân nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc). Anh được mệnh danh là "ông hoàng nhạc pop châu Á" với vô số bài hát nổi tiếng như "Sứ thanh hoa", "Tóc như tuyết", "Hương lúa", "Lan đình tự",... Tính đến năm 2017, nam ca sĩ đã bán được hơn 30 triệu bản album.
Năm 2015, Châu Kiệt Luân kết hôn với người mẫu, MC Côn Lăng và hiện cặp đôi có 3 nhóc tì: Hathaway, Jacinda và Jaylen Romeo. Trên trang mạng xã hội cá nhân, "ông hoàng nhạc pop châu Á" thỉnh thoảng chia sẻ hình ảnh gia đình và lần nào cũng nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. Không ít lần, cư dân mạng đã phải để lại lời ngợi khen vợ chồng nam ca sĩ về cách nuôi dạy con.
Chẳng hạn như cách đây một thời gian, Châu Kiệt Luân từng chia sẻ một bức ảnh của 2 con lớn trên trang Instagram và nhanh chóng nhận hơn 100k lượt thả tim cùng những lời khen có cánh về phong cách nuôi dạy con. Cụ thể trong bức ảnh, 2 con của Châu Kiệt Luân được bố cho ngồi trên sàn nhà tô vẽ thoải mái trên một tấm bạt. "Ông hoàng nhạc pop châu Á" không hề bận tâm đến việc tay chân, quần áo con lấm bẩn màu vẽ mà để con được sáng tạo hết sức.
"Tôi thích cách anh ấy để con vẽ vời, tự do sáng tạo như vậy", một cư dân mạng để lại bình luận. Còn trang Sohu cũng nhận xét "Nuôi con như thế này thật đáng ghen tị".
Được biết, nghệ thuật hội họa là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa giáo dục thẩm mỹ. Không chỉ Châu Kiệt Luân mà nhiều ngôi sao nổi tiếng khác cũng đang kích hoạt tế bào nghệ thuật của con cái họ thông qua hội họa. Chẳng hạn như vợ chồng nam diễn viên Trần Tiểu Xuân - Ứng Thể Nhi cũng cho con vẽ thỏa thích trên áo phông. Hay vợ chồng nữ diễn Tôn Lệ cũng thường xuyên khuyến khích các con "vẽ bậy"...
Những lợi ích không ngờ của việc cho trẻ "vẽ bậy"
Khi nhìn con "vẽ bậy", bôi màu nguệch ngoạc lên tường, sàn nhà hay quần áo, không ít cha mẹ sẽ cảm thấy "tăng xông" mà quát mắng con không được bày bừa nữa. Tuy nhiên bố mẹ nên cố gắng kiềm chế cơn tức giận và khuyến khích con "vẽ bậy" (tất nhiên là vẽ đúng nơi, đúng chỗ, không phải vẽ bậy lên đồ đạc của người khác nhé), bởi thực tế việc này có rất nhiều lợi ích cho trẻ như sau:
1. Phát huy trí tưởng tượng
Khả năng hình dung, tưởng tượng là một kỹ năng quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ vì nó giúp chúng liên tưởng từ ngữ với hình ảnh. Việc vẽ vời có thể là một công cụ tuyệt vời để cải thiện kỹ năng này trong con.
Trong quá trình vẽ, con phải chú ý đến hình dáng bên ngoài và bên trong, và các chi tiết của đồ vật để thể hiện nó lên giấy (dù cha mẹ chỉ thấy một đống nguệch ngoạc, nhưng quá trình này thực sự có diễn ra trong đầu trẻ, chỉ là con chưa đủ khả năng để thể hiện nó ra thành tác phẩm đẹp thôi). Quá trình này cho phép trẻ nhớ các chi tiết hình ảnh. Khi điều này được thực hiện thường xuyên, nó sẽ giúp trẻ hình dung trước trong não những sự vật mà con muốn thể hiện. Đến lượt nó, lại kích thích trí sáng tạo của con.
Ngoài ra, khi trẻ phát triển một vốn từ vựng phong phú thì khả năng hình dung và tưởng tượng càng được củng cố. Khi một ý tưởng hoặc từ ngữ trừu tượng được nói ra, đứa trẻ có thể ngay lập tức kết hợp màu sắc, chi tiết, kết cấu,… với ý tưởng hoặc từ ngữ đó.
2. Tăng cường khả năng quan sát
Trong thời kỳ phát triển của mình, trẻ đang khám phá vô số những điều mới lạ trong môi trường xung quanh mình. Chúng đang dần dần thu thập những kiến thức cơ bản như tên của các loài động vật, các loại xe, các loài cây, loài chim,…
"Nghệ thuật" làm phong phú thêm quá trình này vì nó "tập" cho trẻ đến gần và quan sát cẩn thận mọi thứ. Nó thực sự giúp trẻ "sống chậm" và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như cuộc sống.
Việc học hỏi về thế giới xung quanh cũng như vẻ đẹp của các nền văn hoá nơi trẻ sống sẽ được tăng cường nhờ việc học về nghệ thuật nói chung, chứ không chỉ riêng việc học vẽ. Về cơ bản, nó sẽ phát triển óc quan sát của trẻ.
Nó làm sâu sắc thêm những trải nghiệm của trẻ thông qua quá trình quan sát. Ví dụ, mỗi loài cây có những chi tiết độc đáo và thông tin kích thích thị giác riêng. Do đó, cách tiếp cận nhờ nghệ thuật này sẽ "luyện" cho trẻ khả năng chú ý đến chi tiết.
Nguồn: Sohu
Tags