Hollywood là "đích đến" của các nhà làm phim đặc khu Hong Kong vào đầu những năm 1990 và Châu Nhuận Phát - ngôi sao điện ảnh lớn nhất xứ cảng thơm thời bấy giờ - cũng đã quyết định thử vận may ở Tinseltown.
Đạo diễn Ngô Vũ Sâm (John Woo) - được người quản lý đầy quyền lực Trương Gia Chân (Terence Chang) hỗ trợ - là nhà làm phim tiên phong của Hong Kong tạo dựng sự nghiệp ở Hollywood.
Ông đã mở màn cho sự nghiệp của mình ở kinh đô điện ảnh với phim hành động Hard Target vào năm 1992 cho Universal Studios.
Lúc đó, đạo diễn Từ Khắc (Tsui Hark), nhà làm phim Lâm Lĩnh Đông (Ringo Lam) và ngôi sao hành động Thành Long (Jackie Chan) cũng đang cân nhắc thực hiện bước nhảy vọt.
Đến Mỹ vì không muốn bỏ lỡ cơ hội
Châu Nhuận Phát cũng muốn thử vận may với sự thúc giục của Trương Gia Chân - cũng là quản lý của anh.
Nhưng mặc dù ký được hợp đồng với công ty William Morris Agency hàng đầu và được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông nhưng sự nghiệp của Châu Nhuận Phát không diễn ra tốt đẹp như mong đợi.
Châu Nhuận Phát đã thực hiện một số phim hành động kém chất lượng – The Alternative Killers và The Corruptor – và bộ phim kinh phí lớn Anna and the King - một phiên bản không phải phim ca nhạc của vở nhạc kịch The King and I nhằm mục đích đưa anh trở thành một tài tử hàng đầu bên ngoài thể loại hành động.
Có điều, tất cả những bộ phim này đều thất bại hoặc gây thất vọng ở phòng vé.
Trớ trêu thay, chính bộ phim tiếng Trung của đạo diễn Lý An do Mỹ sản xuất -Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) - lại mang danh tiếng cho Châu Nhuận Phát ở Mỹ.
Nhưng các nhà sản xuất Hollywood coi đó là một điều bất thường và nó không mang đến những vai diễn chất lượng cao mà nam diễn viên mong muốn.
Đến năm 2006, Châu Nhuận Phát trở lại Hong Kong (Trung Quốc), say mê tham gia các dự án ở đại lục và xây dựng sự nghiệp của mình ở đó.
Châu Nhuận Phát chỉ trở lại Mỹ với vai khách mời trong Pirates of the Caribbean: At World's End (Cướp biển Caribbe: Nơi tận cùng thế giới - 2007) và một vai trong Dragonball Evolution (7 viên ngọc rồng – 2009) bị chê bai.
Kris Montello, người quản lý chương trình cho LHP Quốc tế Mỹ-Á có trụ sở tại New York, cho biết: "Châu Nhuận Phát đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm những vai diễn trong các bộ phim có thể thể hiện đầy đủ phạm vi diễn viên của anh ấy ở Hollywood.
Ở Mỹ, Châu Nhuận Phát chủ yếu được biết đến qua các bộ phim hành động của Ngô Vũ Sâm và Lâm Lĩnh Đông. Hầu hết người Mỹ không biết đến sự xuất hiện của anh trong các bộ phim lãng mạn hoặc hài kịch".
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Post năm 1992, Châu Nhuận Phát cho biết mối quan hệ của anh với Hollywood bắt đầu vào khoảng năm 1989, sau thành công của The Killer (Điệp huyết song hùng) tại phòng vé Hong Kong.
Các nhà làm phim của đặc khu Hong Kong không nổi tiếng ở Hollywood vào thời điểm đó nhưng Châu Nhuận Phát cho biết nhiều đạo diễn Mỹ và châu Âu đã mời anh đi quay những bộ phim mà anh đóng vai trùm của Hội Tam Hoàng nhưng anh đã từ chối.
"Tôi thực sự đã nhiều vai kiểu như vậy ở Hong Kong, vậy tại sao tôi phải làm lại điều đó trong phim phương Tây?" – Châu Nhuận Phát nói.
Năm 1995, trong cuộc phỏng vấn của Post, Châu Nhuận Phát nói rằng anh chán nản với hướng đi của nền điện ảnh Hong Kong - những năm hoàng kim của đầu thập kỷ 1990 đã qua và đang mất thị phần vào tay phim Mỹ.
Bực bội khi bị sử dụng như "một cỗ máy diễn xuất"
Châu Nhuận Phát thấy bực bội khi bị sử dụng như "một cỗ máy diễn xuất". Tài tử nói rằng anh dự định đến Hollywood để thực hiện một bộ phim hành động do Ngô Vũ Sâm đạo diễn với kịch bản của Quentin Tarantino - một fan phim hành động Hong Kong. Nhưng đáng tiếc là dự án đó chưa bao giờ trở thành hiện thực.
"Hollywood là giấc mơ của mọi diễn viên. Mọi người đều muốn có ít nhất một cơ hội để làm một bộ phim Hollywood, và với Ngô Vũ Sâm, tôi có cơ hội đó. Tôi muốn mỗi năm đóng một hoặc nhiều phim ở Hollywood và một phim ở Trung Quốc" - anh nói.
Ben Sin, nhà bình luận văn hóa và cộng tác viên của Post cho biết, chuyển đến Hollywood vào thời điểm đó là điều hợp lý đối với Châu Nhuận Phát. "Châu Nhuận Phát đến Mỹ vì nền điện ảnh địa phương đang chậm lại và Hollywood có một số đề nghị hợp lý về mặt tài chính đối với anh ấy.
"Ngay cả một bộ phim chiếu rạp kinh phí thấp của Hollywood cũng được trả nhiều tiền hơn hầu hết các vai diễn trong phim Hong Kong.
Ngoài ra, đỉnh cao nổi tiếng của Châu Nhuận Phát ở Hong Kong là vào cuối những năm 1980, và đến năm 1994, ngôi sao của anh đã giảm đi một chút ở quê nhà" – Ben Sin nói.
Đọc các bài phỏng vấn của Post vào thời điểm đó, có vẻ như Châu Nhuận Phát - người luôn bày tỏ tình yêu với cuộc sống ở Hong Kong - không thích chuyển đến Hollywood nhưng cảm thấy đó là một cơ hội quá tốt nên không muốn bỏ lỡ.
"Ở tuổi 40 tôi cảm thấy hơi già khi ở Hong Kong" – Châu Nhuận Phát chia sẻ. "Vì vậy, tôi cố gắng tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ".
Rào cản ngôn ngữ
Tài tử Hong Kong chuyển đến một nơi ở Los Angeles, đối diện với văn phòng của quản lý Trương Gia Chân. Tuy nhiên, ban đầu anh không có thị thực làm việc và chỉ có thể ở lại Mỹ 6 tháng một lần.
Nỗi lo lắng chính của Châu Nhuận Phát là không thông thạo tiếng Anh. Anh đã tham gia các lớp học và cũng được dạy bởi người vợ Singapore của anh - Jasmine.
Châu Nhuận Phát nói rằng anh đã dành quá nhiều thời gian để lo lắng về việc truyền tải lời thoại của mình bằng tiếng Anh - anh phải dịch trong đầu mọi thứ sang tiếng Quảng Đông - nên không thể toàn tâm toàn ý cho diễn xuất của mình.
Đến năm 1996, Châu Nhuận Phát có ba bộ phim được thực hiện. Bộ phim Mỹ đầu tiên của anh - The Alternative Killers năm 1998, được nhiều người mong đợi, mặc dù đây là phim đầu tay của Antoine Fuqua.
Đây là một bộ phim hành động kinh phí khá thấp (26 triệu USD) nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.
Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng "sự lạnh lùng" của Châu Nhuận Phát là điểm thu hút và có kế hoạch biến anh thành "James Bond của Trung Quốc". Tuy nhiên, đáng tiếc là phim lại thất bại về doanh thu phòng vé ở Mỹ.
Bộ phim tiếp theo của anh - The Corruptor - bị đánh giá là một sự bắt chước mờ nhạt tác phẩm hành động của anh ở Hong Kong.
Montello nói: "Châu Nhuận Phát bị giới hạn trong những vai diễn mà thân phận là người nước ngoài.
Phim diễn ra giống như sự bắt chước rẻ tiền các vai hành động Hong Kong của anh và có những cốt truyện ngớ ngẩn về Hội Tam Hoàng và cảnh sát khu phố Tàu. Điều này có lẽ là do Hollywood cảm thấy đây là những vai diễn duy nhất mà anh được khán giả Mỹ chấp nhận".
Châu Nhuận Phát có cơ hội mở rộng các vai diễn của mình - và khán giả của anh - với bộ phim thứ 3 ở Hollywood - Anna and the King - bộ phim cổ trang mà anh đóng vai Vua Thái Lan bên cạnh nữ minh tinh Jodie Foster.
"Cuối cùng, tôi không cần cầm súng để kiếm sống" - anh nói với tờ Post. "Cầm kiếm thì được và nó mang lại một cảm giác mới".
Châu Nhuận Phát hy vọng rằng Anna and the King sẽ mang đến cho anh nhiều vai chính hơn, và có lẽ sẽ cho anh cơ hội đóng chính trong một bộ phim lãng mạn. Nhưng bộ phim không thành công tại phòng vé và các lời mời cũng cạn dần.
Ngay cả thành công của Ngọa hổ tàng long cũng không mang lại cho Châu Nhuận Phát những vai diễn hay và anh trở lại Hong Kong sau khi đóng phim hành động Bulletproof Monk (Người bảo vệ kinh Thánh – 2003).
"Tôi nghĩ Châu Nhuận Phát phải vật lộn để được chọn vào vai nam chính bởi vì, là một diễn viên châu Á, anh ấy không thể hiện được những gì người Mỹ nghĩ là nam tính hay lãng mạn" - Montello nói. "Tuy nhiên, tôi nghĩ ngày nay nam giới châu Á được chấp nhận nhiều hơn trong các vai chính ở Hollywood".
Tags