(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 2020). Có rất nhiều điều đáng nói về một hồn thơ đã viết nên Điêu tàn từ năm 17 tuổi, rực sáng trên văn đàn 1930 - 1945 mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân phải thốt lên kinh ngạc: "... ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên..." Nhưng Chế Lan Viên không dừng lại ở Điêu tàn, đến tận Di cảo 1, Di cảo 2 của ông, người ta vẫn phải sửng sốt thêm một lần nữa về ông, một trong những đại diện tiên phong cho chất trí tuệ, đa diện, nhiều chiều, mang tầm triết luận.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Lê Thị Bích Hồng nhân dịp kỷ niệm này.
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/10/1920 tại Diễn Châu (Nghệ An). Quê ông ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng Bình Định cũng được xem là quê hương thứ hai.
Đến với thơ rất sớm, nhưng cho đến khi vào Quy Nhơn sinh sống, gặp nhà thơ Yến Lan, ông mới ý thức được ý nghĩa của thơ và từ đó thêm bút danh Lan Viên, mang họ Chế. Bút danh Chế Lan Viên bắt đầu từ đó. Chế Lan Viên tham gia nhóm thơ cùng Yến Lan, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn. Cái tên "Bàn thành tứ hữu" (nhóm bốn người bạn ở thành Đồ Bàn - Bình Định) có từ đó. Nếu Hàn Mặc Tử cho rằng “Làm thơ tức là điên” thì Chế Lan Viên coi “làm thơ là một sự phi thường…”.
Hơn 10 tuổi đã đến với thơ, nhưng năm 17 tuổi Chế Lan Viên mới trình làng tập thơ Điêu tàn (1937). Tựa Điêu tàn là Tuyên ngôn của Trường Thơ Loạn do ông và Hàn Mặc Tử lập ra.
Kể từ tập thơ đầu tay ấy, Chế Lan Viên đã dần định hình một phong cách thơ giàu chất chính luận, suy tưởng, trí tuệ qua các tập: Gửi các anh (1954), Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1985), Tuyển tập Chế Lan Viên (2 tập, 1985), Di cảo 1 (1994), Di cảo 2 (1995)...
Hành trình chuyển động từ cái tôi sử thi...
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Thuộc thế hệ nhà thơ xuất hiện từ phong trào Thơ mới cùng các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ, Vân Đài, Nguyễn Xuân Sanh, Tú Mỡ, Yến Lan, Chế Lan Viên bước vào cuộc kháng chiến vệ quốc với quyết tâm “phải làm một cuộc chuyển quân, một cuộc chuyển thơ từ nơi êm đềm, ẩm ướt của lòng mình đến các nơi cằn khô cháy bỏng, đến các chiến trường”.
- Chế Lan Viên - nhà thơ song hành cùng thời đại
- Chế Lan Viên: Vẫn nở tiếp những mùa ánh sáng
- Hội thảo về nhà thơ, nhà giáo Chế Lan Viên
Vì thế, vượt qua phút “ngập ngừng”, “xao xuyến”, với tư duy mạnh mẽ, Chế Lan Viên đã chuyển hướng thơ từ “Điêu tàn” qua bước đệm “Gửi các anh” còn quá mong manh, nói như nhà văn Vũ Thị Thường chả khác cái vỏ, cái xác khô teo của con tằm mới ăn một, ăn hai - bỏ lại, để 10 năm rút ruột nhả tơ óng có tên “Ánh sáng phù sa”. Rồi từ đó nhà thơ tự tin định hình một phong cách thơ rất riêng Chế Lan Viên với “Hoa ngày thường, chim báo bão” đến “Những bài thơ đánh giặc”, “Đối thoại mới”, “Hoa trước lăng Người”, “Hái theo mùa”, “Hoa trên đá”... Ông nhanh chóng nhập vào đội ngũ những người mở đường mạnh mẽ, táo bạo, tạo ra một thời đại thi ca mới cách mạng.
Tính sử thi chi phối làm cho nền thơ chống Mỹ có dáng dấp một “dàn đồng ca”, một “dàn hợp xướng” lớn. Nền thơ sinh thành trong bối cảnh tinh thần đặc biệt thể hiện trong câu thơ giàu triết lý của ông “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con ngàn bà mẹ như nhau”.
Nhận thức sâu sắc sứ mệnh của một nền thơ sinh ra trong máu lửa, mỗi nhà thơ là một chiến sĩ “Đứng ngang tầm chiến lũy”; thơ thành “hầm chông giết giặc” phục vụ thời chiến nên “một câu thơ ba phần làm nhiệm vụ”; “Nhiệm vụ thơ nặng hơn trang giấy, các bài thơ. Cái thai nặng hơn bà mẹ”(Ngày vĩ đại)...
Chế Lan Viên sử dụng tần suất đậm đặc các biểu tượng trong thơ chống Mỹ: “Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng).
Tính sử thi chi phối cảm xúc sáng tác. Tổ quốc được nhắc tên niềm hoan ca “Tổ quốc là núi thẳm đèo cao tột cùng hoang đảo/ Một giới tuyến ta với thù đọ pháo”, “Tổ quốc nay là từng ngã ba khu phố/ Là một góc phi trường ta đánh giữ/ Tổ quốc là nơi đâu ta sống rất anh hùng” (Xuân 68 gửi miền Nam Tổ quốc). Tình yêu mang đậm chất sử thi là tình yêu vĩ đại, lớn lao với Tổ quốc, nhân dân “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Sao chiến thắng)…
Cũng chính trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng này, các nhà thơ đều cảm nhận sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân. Chế Lan Viên triết luận về sức mạnh hùng hậu của nhân dân qua hình ảnh khái quát “Nhân dân không có thanh gươm vung một cái đến trời mây/ Nhưng họ gánh lịch sử đến nghìn lần lớn hơn đời họ” (Thơ bổ sung).
... đến cái tôi phi sử thi
Thơ viết về chiến tranh sau 1975 đã có nhiều nét mới từ cảm hứng đến chất liệu và giọng điệu. Khi chất liệu sử thi nhạt dần, con người cá nhân được nhìn nhận trong tính toàn vẹn, có chiều sâu và hướng theo cái nhìn thế sự.
Trong các nhà thơ lớp trước đã có đóng góp tích cực cho thơ kháng chiến chống Mỹ, có lẽ Chế Lan Viên là nhà thơ có những lời thơ thống thiết về sự bất lực của thơ trước thực tế. Lời thơ đã từng cất “tiếng hét ở chiến hào”, “Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười”... đã ngậm ngùi nhìn vào số phận người “Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời/ Tôi ú ớ/ Người ấy nhắc tôi những câu thơ tôi làm làm người ấy xung phong/ Mà tôi xấu hổ/ Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay/ Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ” (Ai? Tôi?)...
Sự nhạt dần cảm hứng phi sử thi đã được Chế Lan Viên đề cập trong sứ mệnh của thơ ca. Nền thơ cách mạng ngoài việc phản ánh hiện thực cách mạng, kháng chiến, đời sống tình cảm con người, còn phải “đề cập, giải đáp không ít những vấn đề của tư tưởng”. Chế Lan Viên là người đã phát biểu nhiều nhất những suy nghĩ về thơ, đặc biệt là dưới dạng “Thơ về thơ”, như Sổ tay thơ, Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ... nghĩ, Thơ bình phương/ Đời lập phương.
Nhà thơ khẳng định: “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh/ Không phải chỉ “ơ hời” mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...).
Vì thế, hình thức thơ cũng phải thay đổi cho phù hợp: “Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói/ Chỉ nói thôi mới nói hết được đời” (Sổ tay thơ).
Có thể thấy, Chế Lan Viên là một nhà thơ đã đem tới một cách nhìn mới từ những suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc về nghề thơ, về sứ mệnh của thơ “Thơ cần có ích”. Thế hệ trẻ từ đó cũng có những suy nghĩ sâu sắc về sứ mệnh của thơ với cuộc kháng chiến “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh), “Bài hát của chúng tôi/ Là bài ca ống cóng” (Thanh Thảo), “Thơ bỗng sắc hơn gươm” (Tần Hoài Dạ Vũ), “Mài thơ như kiếm sắc” (Trần Quang Long)...
Khi yếu tố sử thi nhạt dần, cái tôi trữ tình thiếu đi chất tráng ca, nhưng bù lại nó đã tìm thấy tiếng nói khác đầy ắp tâm trạng, nỗi trăn trở, sự day dứt, lo âu đầy trách nhiệm về chiến tranh vệ quốc, về hy sinh, mất mát, về nhu cầu, khát vọng của con người. Thơ nói riêng và văn học nói chung đã hé mở khát vọng bức thiết, đòi hỏi quan tâm đến mỗi số phận cá nhân. Mối quan tâm cộng đồng đã nhường chỗ cho số phận cá nhân. Đó chính là cơ sở để thức tỉnh ý thức cá nhân và tinh thần nhân bản sẽ trở thành nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo bao trùm của nền văn học sau năm 1975.
Chế Lan Viên đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập thơ Di cảo 1 và Di cảo 2; năm 1995 cho tập thơ Hoa trên đá và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996). |
PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Tags