(Thethaovanhoa.vn) - Không Champions League, và thậm chí có thể tồi tệ đến mức không Europa League; đã bị văng khỏi FA Cup sau trận thua 0-2 trước Everton, Chelsea không chỉ có một mùa giải trắng tay đơn thuần mà còn đứng trước nguy cơ phải đối diện với một giai đoạn tái thiết rất mất thời gian.
- Thua Everton 0-2, Chelsea bị loại khỏi cúp FA: Game Over!
- Chelsea ra thông báo ‘minh oan’ cho Diego Costa
- Những cầu thủ khiến Chelsea phải tiếc nuối sau khi bán đi
Điều gì sẽ xảy ra nếu quay ngược kim đồng hồ và trở lại thời điểm tháng Bảy, tháng Tám năm 2015 để thay đổi các tham số đầu vào của bài toán mùa giải?
1. Hãy thử đưa một tham số đáng giá như sau: Jose Mourinho được chấp thuận mua 4 cái tên ông đã đệ trình lên BGĐ là Varane; Paul Pogba; Antoine Griezmann và Anthony Martial, ta sẽ nhận thấy nghiệm của bài toán Chelsea sẽ rất khác. Nếu từ đầu mùa giải Mourinho có được những con người đó, chắc chắn hàng thủ không gặp những vấn đề khi quá tải; hàng công sẽ không có những thái độ làm mình làm mẩy kiểu Hazard; Costa không bị vắt kiệt đến bực bội; tuyến giữa hoàn toàn vững chãi với sự có mặt của tiền vệ số 1 nước Pháp hiện nay. Và chỉ chừng đó dữ kiện thôi, ta có thể hiểu được rằng Mourinho đang cùng Chelsea có được danh hiệu Premier League ở mùa giải thứ ba của mình.
Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như thế. Mourinho chỉ nhận được 11 chữ ký mới gồm những người đã qua thời (như Pedro; Falcao) cùng những người không có khả năng thành ngôi sao (như Baba; Djilobodji…). Thậm chí, có những bổ sung mà cho đến giờ phút này vẫn chưa từng được chơi cho Chelsea lấy một phút như Matt Miazga, Michael Hector, Danilo Pantic và Marco Amelia.
Tất cả đều cho thấy, Chelsea đã trải qua một thời kỳ kéo dài 18 tháng với một chính sách chuyển nhượng vô cùng quái gở mà người chịu trách nhiệm chính có vẻ là Micheal Emenalo, Giám đốc kỹ thuật của CLB. Đúng là Michael Emenalo không đủ tầm để trở thành một GĐKT theo kiểu “mua rẻ bán đắt” nhưng ông ta cũng không có nhãn quan nhạy bén để biết đội bóng thực sự cần gì. Chỉ cần nhìn vào hai phi vụ bán Lukaku và De Bruyne là chúng ta đủ thấy chẳng có một triết lý chuyển nhượng đúng đắn nào ở Chelsea suốt thời gian qua.2. Song, Emenalo chỉ là một trong các nhân tố khiến Chelsea rối bời trong hoạt động chuyển nhượng. Abramovich được coi là người quá lệ thuộc vào đội ngũ tư vấn chuyển nhượng của riêng mình nên cuối cùng, ông tạo ra sự hỗn loạn khi có đến 4-5 quân sư lúc nào cũng có tầm ảnh hưởng nhất định đến chuyện bán mua của CLB. Đầu tiên là Maria Granovskaia, người từng là trợ lý riêng của Abramovich, người phụ nữ tạo nên danh tiếng nhờ vào khả năng đàm phán quái kiệt của mình. Nhưng ở chuyển nhượng, trong tư cách một giám đốc, Granovskaia đã nhiều lần làm chậm trễ những thương vụ để rồi từ đó nhiều tài năng được xác định như mục tiêu chuyển nhượng đã không thể ký kết được với Chelsea. Kế đến là Jorge Mendes, người cực có ảnh hưởng với Abramovich. Và Abramovich đã tin Mendes đến mức đưa Falcao, Pato, Maizga đến Stamford Bridge. Họ đã làm được gì cho CLB? Ngoài việc thỉnh thoảng được báo chí nhắc tên, họ gần như vô hình.
Song không chỉ một mình Mendes là người môi giới được Abramovich tin cậy. Joorabchian cũng tạo được tầm ảnh hưởng đáng kể tới ông chủ người Nga và chính anh ta là người đã bốc Ramires khỏi Chelsea trong khi tuyến giữa của CLB vẫn còn thiếu chiều sâu nghiêm trọng.
Dường như, lệ thuộc vào lời khuyên của giới môi giới cầu thủ đã là thói quen ưa thích của Abramovich. Có thể, những thành công từ việc nghe theo hai nhà môi giới là Zahavi và Lemic cách đây hơn 10 năm đã khiến Abramovich dựa hẳn trên thông tin tư vấn từ giới cò mồi hơn là từ chính HLV trưởng của mình. Trong khi đó, “nữ tướng” Granovskaia thì lại luôn được tự tung tự tác một cách khó hiểu mà điển hình là vụ nữ giám đốc này nói với Filipe Luis rằng anh ta có thể ra đi, với mức giá 15 triệu bảng, một mức giá mà ngay cả Atletico cũng chẳng ngờ tới.
3. Cái chết của Chelsea rõ ràng đến từ chính sự hỗn loạn mà Abramovich tạo ra. Nhiều người nói ông độc đoán nhưng có lẽ, ông là người dễ dãi quá thì đúng hơn, khi để cho quá nhiều người can thiệp vào việc lẽ ra chỉ 1 (hoặc cùng lắm là 2) người được phép thực thi. Và suy cho cùng, nếu chúng ta nhớ lại câu nói “không thể làm món opla ngon từ trứng hạng hai” mà Mourinho nói gần chục năm trước đây, chúng ta sẽ thấy rằng, rõ ràng, cái chết của Chelsea đã được báo trước từ rất sớm.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags