‘Chết dở’ với... ‘Chết cười’!

Chủ nhật, 22/03/2015 13:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình hài Chết cười (Đài Truyền hình Việt Nam và BHD phối hợp sản xuất, phát sóng trên VTV3 lúc 20h00 thứ Bảy hàng tuần) có nguy cơ “chết dở” vì đang “khát” tiết mục xuất thần, tạo dấu ấn tốt.

Nhìn chung, sau 8 số phát sóng, điểm riêng và điểm thú vị của Chết cười là khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ với các tình huống bất ngờ, do kịch bản gần như không có trước. Nỗ lực “chọc cười” tự do và bằng nhiều cách của chương trình cũng rất đáng khích lệ. Nếu chỉ tìm khoảng 50 phút để giảm căng thẳng, hoặc “giết thời giờ” thì Chết cười cũng làm được, dù không hấp dẫn bằng Hội ngộ danh hài, Ơn giời, cậu đây rồi!...

Cái khó của Chết cười đến từ mấy lý do. Đầu tiên vẫn là thiếu kịch bản như đã nói, với sân khấu thì kịch bản và tập luyện trước luôn rất quan trọng, vì nghệ sĩ diễn ứng biến giỏi vốn rất ít. Chết cười đang thiếu sự kết hợp và ứng biến như vậy, bởi trong nhóm 2-3 người lên diễn mà có một người “bị đơ” là xem như tiểu phẩm “mất lửa”. Như số 8 đêm qua, khi NSND Ngọc Giàu và danh hài Hồng Tơ đang kết hợp bắt đầu suôn sẻ, thì Mai Thế Hiệp vẫn chưa thể hòa nhịp (do thiếu khả năng hát vọng cổ), nên bị... hết giờ.

NSND Ngọc Giàu, danh hài Hồng Tơ (áo vàng) và Mai Thế Hiệp trong tiết mục lấy cảm hứng từ truyện Lục Vân Tiên

Điều phối một chương trình như Chết cười cần một MC thông minh, giỏi ứng biến, hài hước và trẻ trung (ví dụ như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang...), trong khi NSƯT Đức Hải thì hơi mô phạm, nên chưa “đủ nhiệt” cho cuộc chơi chung. Nhất là với tiết mục Màn hình phẳng, vốn rất cần sự lanh trí và duyên dáng để “ra bài” kịp thời cho nghệ sĩ thể hiện, MC vẫn còn hơi bị động, đôi lúc bị cuốn theo tình huống.


Nghệ sĩ Tấn Hoàng “Giải đố trên không”

Cái khó cuối cùng, cũng là cái khó chung của khán giả sân khấu và truyền hình tại Việt Nam, đó là họ chưa thật sự thích nghi với các chương trình ứng tác và ứng biến tại chỗ. Lâu nay họ đã quen với các chương trình được biên tập cẩn thận mọi khâu, thông điệp rõ ràng, nên chắc một thời gian dài nữa họ mới quen với các kiểu “cười lấy được” như Chết cười. Đây là chưa nói đến cái khung văn hóa ấn định xuống Chết cườiAnything Goes (phiên bản gốc) hoàn toàn khác nhau, bởi mỗi đất nước có cách quan niệm về cởi mở, tự do riêng.


Từ trái sang, Mai Thế Hiệp, Hồng Tơ, Ngọc Giàu, Vượng Râu, MC Đức Hải, Trà Mi, Tấn Hoàng của Chết cười số thứ 8

Chừng này thôi cũng đủ làm cho Chết cười có nguy cơ... “chết dở”.

Như Hà   

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›