Hầu hết các tỷ phú được nghiên cứu đều không xuất thân từ những gia đình khá giả hay có hoàn cảnh lý tưởng, nhưng họ vẫn theo đuổi ước mơ của mình bất kể thời tiết nắng đẹp hay mưa giông, thuận lợi hay gian khó.
Chỉ có khoảng 2.200 tỷ phú trên thế giới - chiếm 0,0002% dân số hành tinh, với 67% trong số đó là tự thân lập nghiệp, theo CNBC.
Có người làm giàu bằng những phát minh như Bill Gates với Microsoft, có người đổi mới một phương thức giải quyết vấn đề như Brian Chesky - người đồng sáng lập Airbnb, có những nhà đầu tư hiểu biết như Warren Buffett, cũng có người điều hành công ty tỷ đô chẳng hạn như Tim Cook…
Nhưng ngoài bản lĩnh đầu tư và kinh doanh nhạy bén, các tỷ phú tự thân còn có một số đặc điểm chung. Điều này đã được Rafael Badziag phát hiện, thông qua quá trình phỏng vấn 21 tỷ phú tự thân, và viết nên cuốn sách “The Billion Dollar Secret”.
Dưới đây là ba trong số những điểm chung hàng đầu của họ, theo Badziag.
1. Họ thành công bất kể “thời tiết” như thế nào
Badziag cho biết, lý do khiến hầu hết mọi người không đạt được thành công trong cuộc sống chính là: Họ cứ mải miết chờ đợi những điều kiện lý tưởng rồi mới đưa ra quyết định hành động, nhưng chẳng bao giờ hiện thực hoàn hảo như mong muốn, do đó họ cũng bỏ lỡ cơ hội theo đuổi ước mơ của mình.
Còn các tỷ phú tự thân lập nghiệp thì khác. Badziag nói, hầu hết các tỷ phú mà ông phỏng vấn đều không xuất thân từ những gia đình khá giả hay hoàn cảnh lý tưởng, nhưng họ vẫn theo đuổi ước mơ của mình bất kể hoàn cảnh, bất kể “thời tiết”.
Lấy ví dụ, một trong những tỷ phú mà Badziag đã phỏng vấn: NR Narayana Murthy, người đồng sáng lập gã khổng lồ CNTT Infosys, được định giá hơn 45 tỷ USD. Người đàn ông 76 tuổi này hiện có tài sản ước tính 4,6 tỷ USD nhưng ít ai biết rằng, tuổi thơ của ông từng trải qua cảnh nghèo túng đến mức không có lấy chiếc giường để ngủ.
Dù vậy, Murthy vẫn ham học hỏi từ nhỏ. Ông thường đến các thư viện công cộng trong thị trấn và đọc mọi thứ miễn phí có thể. Từ những gì đọc được, Murthy tin rằng, phần mềm là một chìa khóa cốt lõi trong tương lai.
Vì vậy vào năm 1981, ông và một số đồng nghiệp có ý tưởng thành lập một công ty phần mềm. Nhưng họ không có máy tính và vào thời điểm đó, quy định để nhập khẩu máy tính vẫn khá khó khăn. Phải mất tới mấy năm liên tục thu xếp khắp nơi, họ mới có thể chuẩn bị đủ trang thiết bị vật tư và thành lập Infosys với vỏn vẹn 7 thành viên.
Thời gian đã chứng minh những nỗ lực của ông là hoàn toàn đúng đắn. Infosys nhanh chóng phát triển trở thành một doanh nghiệp toàn cầu và là một trong những công ty tư vấn công nghệ hàng đầu ở Ấn Độ.
2. Họ không làm việc vì tiền
Badziag cho biết, hầu hết người thường đều tìm cách gia tăng thu nhập và khi đã đạt được một khoản tích lũy dư dả trong tài khoản, họ dần đánh mất động lực để tiếp tục phấn đấu.
Trong khi đó, các tỷ phú “tự thân lập nghiệp” mà ông phỏng vấn không lấy tiền tài làm động lực. Thay vào đó, họ “có mục đích và niềm đam mê mãnh liệt đối với công việc của mình”. Họ được thúc đẩy bởi mong muốn phát triển và học hỏi cho dù tài khoản ngân hàng của họ có lớn đến đâu.
Người sáng lập Apple, Steve Jobs đã từng nói: “Từ hồi 23 tuổi, tôi đã kiếm được 1 triệu đô và đến 24 tuổi, con số đó đã tăng lên 10 triệu đô. Một năm sau đó, tài sản của tôi đã là 100 triệu đô. Nhưng điều đó không quá quan trọng, bởi vì tôi chưa bao giờ làm việc vì tiền.”
Jobs cho biết ông bắt đầu Apple với một mục tiêu duy nhất. Đó là cố gắng tạo ra một “chiếc máy tính mọi người có thể cầm trong tay để sử dụng hàng ngày”. Cuối cùng, họ đã theo đuổi thành công ước mơ “ngông cuồng” ấy.
Tỷ phú người Pháp gốc Syria Mohed Altrad, người sở hữu khối tài sản 3,1 tỷ USD hiện nay, cũng công nhận điều này. Ông là người đã mua lại một công ty giàn giáo ở Pháp vào năm 1985 và phát triển nó thành tập đoàn dịch vụ công nghiệp khổng lồ Altrad Group.
Ông nói: “Tiền chỉ là một trong những dấu hiệu của sự thành công. Còn thành công của tổ chức là bền vững, trong đó mọi người hạnh phúc, nhân loại tìm thấy nền móng của mình.”
- 4 lời khuyên của giáo sư đại học nổi tiếng: Công thức cho sức khỏe là vào buổi sáng, công thức để thành công là vào buổi tối
- Những giải đấu HLV Park Hang Seo vắng Quang Hải vẫn thành công
- 2 nhóm người sáng tạo nhất định thành công hơn người, nhóm 1 phát triển mạnh ở tuổi thanh niên, nhóm 2 chỉ đạt tới 'đỉnh cao' khi 40-50 tuổi
3. Họ giản dị
Theo Badziag, những kẻ thích tiêu xài phung phí thường dễ rơi vào tình trạng nợ nần, tiêu nhiều hơn số tiền họ có. Ngay cả những người thành công cũng có xu hướng phô trương sự giàu có của họ qua xe hơi, quần áo đắt tiền và những kỳ nghỉ xa hoa.
Nhưng những tỷ phú mà Badziag được phỏng vấn lại khác. Họ “thích kiếm tiền nhưng không thích tiêu nó,” ông nói.
Lấy ví dụ, Warren Buffett là người giàu thứ tư trên thế giới với tài sản ròng khoảng 87,3 tỷ USD. Bất chấp khối tài sản khổng lồ của mình, “thần chứng khoán” vẫn sống trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Omaha mà ông mua vào năm 1958 với giá 31.500 đô la (tương đương khoảng 277,00 đô la Mỹ ngày nay). Ông cũng thường mua những bữa sáng giá rẻ, chỉ chi khoảng 3,17 đô la mỗi ngày tại McDonald’s để mua bánh mì kẹp pho mát, xúc xích và trứng.
Hay như Peter Hargreaves, người sáng lập Hargreaves Lansdown, một trong những doanh nghiệp dịch vụ tài chính lớn nhất Vương quốc Anh. Vị tỷ phú 76 tuổi cho biết, mình vẫn đang lái chiếc Toyota Prius 8 năm tuổi, dù sở hữu khối tài sản khoảng 2,3 tỷ USD.
Thậm chí, các con của Hargreaves cũng được dạy phải sống tiết kiệm. “Các thành viên trong gia đình tôi đều chỉ lái những chiếc xe rất khiêm tốn; cả hai đứa đều đi một chiếc xe đã bảy năm tuổi cũng như sở hữu căn hộ khá khiêm tốn”, ông cho biết.
Tất nhiên, họ vẫn sẽ tiêu tiền cho những nhu cầu cần thiết. Nhưng đa số đều không ưa thích sự lãng phí vì họ luôn hiểu rõ và trân trọng giá trị của đồng tiền.
Thúy Phương
Tags