Bài viết của tác giả Lý Quyên trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Đăng ký khoá học vì kinh doanh bế tắc
Năm 2013, sau nhiều năm làm việc ở Thâm Quyến (Trung Quốc), tôi và chồng mở một nhà máy chế biến nhỏ ngay tại thành phố này. Nhờ kinh nghiệm làm kỹ thuật của chồng và sale của tôi, nhà máy dần đi đúng hướng, lợi nhuận ròng khoảng 500.000 NDT/năm. Con số này tuy không quá cao nhưng chúng tôi rất hài lòng, còn có tiền để mua được nhà và sống thoải mái.
Tuy nhiên năm 2022, đơn đặt hàng của nhà máy giảm mạnh, không bằng ⅓ so với năm 2021. Điều này làm ảnh hưởng đến doanh thu, tiền lương công nhân và tiền thuê nhà xưởng vấn phải trả khiến tôi vô cùng sốt ruột. Tôi và chồng chia nhau đi thăm khách hàng cũ và tìm khách hàng mới nhưng sau vài tháng vẫn không có kết quả khả quan.
Đúng lúc tôi đang bối rối, có một cô gái trẻ tìm đến nhà máy của chúng tôi để giới thiệu về một sự kiện có mời các chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, đồng thời là cơ hội để các chủ doanh nghiệp trao đổi cơ hội làm ăn, hợp tác. Giá vé để tham dự sự kiện là 19.998 NDT. Cân nhắc và tìm hiểu về sự kiện này một hồi, tôi quyết định tham gia.
Địa điểm tổ chức sự kiện là một khách sạn lớn, tại khán phòng trên tầng cao nhất. Vừa bước ra khỏi thang máy chúng tôi đã được đón tiếp như “ông hoàng bà hoàng”, bên trong cũng đã gần kín chỗ. Mọi người tận dụng thời gian trước khi sự kiện bắt đầu để trao đổi danh thiếp, trao đổi thông tin.
Bầu không khí nóng hơn khi diễn giả được giới thiệu là tiến sĩ ĐH Harvard, từng làm việc cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 xuất hiện. Người đàn ông này họ Trần, đeo kính, mặc vest, đi giày da không vết bẩn, trông vô cùng thành đạt. Ông Trần bắt đầu kể về kinh nghiệm của bản thân, từ một chàng trai nghèo sau đó từng bước thành công. Người đàn ông này cho biết tiền của mình tiêu cả đời không hết, mối quan tâm duy nhất hiện giờ chỉ là truyền nguồn cảm hứng cho các doanh nhân khác.
Màn hình lớn xuất hiện dòng chữ: “Từ châu Á vươn ra thế giới”, đám đông trở nên phấn khích, vỗ tay không ngừng. Tiến sĩ Trần liệt kê những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, từ kinh nghiệm của bản thân đề xuất hướng giải quyết. Tôi nghe rất vào tai, cảm thấy cũng có thể áp dụng với nhà máy hiện giờ. Người đàn ông sau đó lập tức đổi tông giọng, nói rằng sẽ chia sẻ một khoá học giá 180.000 NDT về hướng phát triển tương lai của ngành, các chiến lược kinh doanh khác nhau để kiếm được 10 triệu NDT/năm dễ dàng.
Vị diễn giả này cũng cho biết những học viên tham gia khoá học của ông công ty đều có những bước phát triển vượt bậc. Ví dụ rất thuyết phục, như một học viên trong 2 năm từ 2 quán trà sữa đã phát triển thành thương hiệu 500 cửa hàng trà sữa. Tiến sĩ Trần vừa dứt lời, nhiều người ngay lập tức tiến về phía bàn đăng ký để mua khoá học. Vợ chồng tôi bị không khí hội trường làm cho khẩn trương, sốt sắng theo những người khác tìm nơi đăng ký. Hầu như ai đi sự kiện hôm đó đều mua khoá học của diễn giả. Phía BTC cũng hứa hẹn rằng đội ngũ tận tâm của họ sẽ hỗ trợ khách hàng để công việc kinh doanh phát triển.
Sự thật về “khoá học kinh doanh, khoá dạy làm giàu”
Trở về nhà, tôi lập tức nhận được khoá học kinh doanh trên, chứa đầy tài liệu nghìn trang với những dòng chữ dày đặc. Ngày nào tôi cũng mở ra đọc nhưng chỉ xem được 1 tuần, tôi không còn muốn nghiên cứu nữa, vừa mở ra đã thấy buồn ngủ. Tôi thử liên hệ lại với tiến sĩ Trần để được dạy lại nhưng trợ lý của người đàn ông này cho biết giá dạy kèm 1 lớp là 5.000 NDT/giờ, 1 thầy 1 trò sẽ có giá đắt gấp 10.
Thấy mức giá quá cao, tôi hỏi người trợ lý tư vấn về chiến lược giúp đột phá về doanh số bán hàng nhưng kết quả là người này trực tiếp sao chép mấy trang lý thuyết trên mạng rồi gửi cho tôi. Tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy mình bị lừa dối. Tôi thử tìm đến một giáo sư kinh tế có tiếng trong ngành ở Đại học Thâm Quyến để nhờ thẩm định khoá học vừa mua.
“Rất nhiều nội dung trong đây là từ giáo trình khoa kinh doanh của các trường đại học Mỹ, chỉ ghép lại sơ sài và dừng lại ở mức lý thuyết”, giáo sư này trả lời.
Khi biết tôi phải trả 200.000 NDT (~682 triệu đồng) cho những lý thuyết này, giáo sư thay đổi sắc mặt ngay lập tức. “Những người kinh doanh tay ngang rất dễ bị tẩy não bởi những khoá học thành công vô dụng này. Thực tế thì làm kinh doanh, em nên thực hành từ từ để tìm ra cơ hội. Người tổ chức khoá học này chỉ biết nói những lời lẽ khoa trương, dựa vào sự cả tin của người khác để kiếm tiền”, giáo sư nói.
Tôi thất thần trở về, xem lại những danh thiếp tại sự kiện đó thì phát hiện họ đều là chủ quán trà sữa, nhà hàng kinh doanh nhỏ lẻ hơn cả nhà máy của tôi. Họ cho biết mình cũng mới phát hiện những video bài giảng chẳng giúp ích gì cho công việc buôn bán của họ. Nhìn danh sách video trong máy điện thoại đang rao giảng về cách điều hành doanh nghiệp theo kiểu sáo rỗng, tôi chỉ biết 200.000 NDT đã đổi cho bản thân một bài học quá đắt.
Sau này tôi mới biết nhiều người cũng “sập bẫy” các khoá học tài chính, khoá dạy thành công kiểu này. Họ thường tổ chức những sự kiện có quy mô, diễn giả biết thôi miên về danh tính để tăng độ uy tín rồi giới thiệu khoá học, có thể tặng một vài khoá miễn phí để làm “mồi câu”. Đối tượng mà người tổ chức khoá học làm giàu cũng vô cùng đa dạng, từ chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến người lớn tuổi ít kiến thức, phụ nữ muốn kiếm thêm thu nhập. Phía bán khoá học liên tục nhấn mạnh, “tẩy não” về cơ hội kiếm được tiền mà không vất vả, không rủi ro.
Trên thực tế, chẳng có cách kiếm nhiều tiền, tăng doanh số dễ dàng chỉ sau 1 đêm, 1 tháng hay 1 khoá học như lời quảng cáo cả. Kinh nghiệm là bạn phải thực sự thận trọng, xem xét phía công ty tổ chức, người đứng lớp giảng dạy cũng như feedback trên nhiều nền tảng trước khi bỏ số tiền lớn để tham gia những khoá học kiểu này, kẻo “tiền mất tật mang” giống tôi.
Tags