Nam thiếu niên 14 tuổi chạy bộ quanh trường được 10 vòng thì xuất hiện tình trạng chuột rút, lơ mơ, đến viện cấp cứu thì đã tổn thương gan, thận.
Hiện nay, nhiệt độ ở nhiều tỉnh thành đang tăng cao, nhiều phụ huynh chủ quan khi để con vận động ngoài trời dẫn đến sốc nhiệt. Theo các bác sĩ đây là vấn đề không hề nhẹ nhàng như chúng ta vẫn thường nghĩ.
Lúc 13h30 phút, ngày 04/05/2023 Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận trường hợp trẻ Tr. T. Kh. (14 tuổi, nam).
Khai thác bệnh sử ghi nhận khoảng 8h30 sáng cùng ngày trẻ tập chạy quanh sân bóng đá của trường được 10 vòng mỗi vòng trung bình 400m, trong vòng 30 phút. Sau khi chạy xong trẻ than mệt, vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu, ngất xỉu. Trẻ được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, mạch nhẹ 165 lần/phút, huyết áp 80/50mmHg, được xử trí đặt nội khí quản giúp thở truyền dịch chống sốc, Kết quả CT scan não không ghi nhận tổn thương. Tình trạng trẻ diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Tại bệnh viện, trẻ vẫn trong tình trạng lơ mơ, tự thở qua nội khí quản, sốt 39 độ C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, da khô nóng. Trẻ được chẩn đoán sốc nhiệt trên nền vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. Trẻ được làm các xét nghiệm máu, X-quang phổi, CT scan não, quá trình kiểm tra phát hiện trẻ có tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng.
Trẻ được tiếp tục truyền dịch, lau mát bằng nước thường kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết, truyền bicarbonate. Kết quả sau 6 giờ điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện, còn sốt 38 độ C, trẻ tỉnh táo, tự thở khá nên được cai máy thở thở oxy. Trẻ tiếp tục được điều trị hỗ trợ gan thận và theo dõi tình trạng huyết động.
Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nam thiếu niên chỉ chạy bộ trong nửa tiếng, với 5km giữa thời tiết oi bức, nhưng vẫn khiến cậu bé từ một người khỏe khoắn bị ngất xỉu đột ngột, diễn tiến xấu dần đến sốc nhiệt, tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa.
Sau hơn nửa ngày hỗ trợ tích cực hô hấp, truyền dịch, lau mát kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết, truyền bicarbonate, điều trị hỗ trợ gan thận, theo dõi sát tình trạng huyết động tại Khoa Cấp cứu và ICU, bệnh nhân mới tỉnh táo dần và thoát cơn nguy kịch.
"Qua trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh cần cho con em minh mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, mau nhạt tránh hấp thu nhiệt, uống nhiều nước, tránh để trẻ chơi hoặc vận động mạnh dưới trời nắng nóng và cần cho trẻ đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng để tránh sốc nhiệt trong mùa hè nóng bức", BS Tiến lưu ý.
Tags