(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Những lần trước lên Sa Pa, lần nào cũng ở nhà nghỉ hay khách sạn. Lúc đầu chỉ nghĩ đến chuyện đặt nhà nghỉ/hotel nào giá tốt và/hoặc view đẹp để ở. Quanh đi quẩn lại cứ ở mấy đường, mấy phố Thạch Sơn, Xuân Viên, Cầu Mây, Fansipan…Rồi đi chợ phiên Bắc Hà, đi chợ Cán Cấu, đi Y Tý, rồi leo Fansipan, rồi lên vườn hoa Hàm Rồng, loanh quanh Thác bạc, Cầu mây…
- Câu chuyện du lịch: Campuchia, hiện đại và cổ xưa
- Câu chuyện du lịch: Đến Thung Nham, khám phá 'miệt vườn Nam Bộ' trên đất Bắc
- Câu chuyện du lịch: Hấp lực của Mũi Né
- Câu chuyện du lịch: Dọc ngang ở xứ chùa Vàng
Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở Sa Pả, trên đường đến bản Tả Van
Lần này thì khác. Tự nghĩ nếu lại đi giống những lần trước thì sẽ thấy Sa Pa mau chán nên ngay từ đầu đã lựa chọn ăn, ngủ ở bản cho khác những lần trước. Định thuê xe máy ở Sa Pa đi Tả Van cho nó nhanh nhưng nhóm tây ba lô đi cùng tôi lại gợi ý đi bộ. Tôi chọn Tả Van làm bãi đáp vì ở Sa Pa đây là bản phát triển homestay mạnh nhất, chuyên nghiệp nhất. Có tới 40 hộ làm homestay ở đây trong đó những hộ đầu tiên làm homestay từ năm 2002. Mà Tây ba lô thì họ cực khoái đi bộ, trekking theo đường mòn.
Thú thực, kể từ sau lần thứ 2 leo Fansipan năm 2010, tôi chưa bao giờ đi bộ quãng đường quá xa. Chỉ tầm 3-4 km đổ lại. Nói chung là rất nhẹ nhàng. Nhưng lần này thì khác. Được cái là kể từ khi bắt đầu World Cup 2014 đến nay đã chuyển sang tập chạy khá đều. Tuần 3-4 buổi chạy 5km + đi bộ 1km-2km nữa nên chân nó cũng lỳ.
Phong cảnh tuyệt đẹp ở bản Ý Linh Hồ
Thế là sau khi đi bus 28k/người từ Lào Cai về Sa Pa, loanh quanh ở Sa Pa một lát rồi tôi cuốc bộ luôn 9km từ Sa Pa đi Tả Van cùng các bạn tây ba lô. Quả thật là chương trình luyện chạy vốn để tránh béo bụng đã phát huy tát dụng khi đến nơi tôi cảm thấy chân vẫn chưa chịu mỏi. Ổn định chỗ ăn, uống, ngủ nghỉ xong cả nhóm bắt đầu lang thang. Hành trang rất gọn nhẹ. Chỉ mang theo tiền, nước uống và dĩ nhiên, máy ảnh. Phong cách trekking của tây ba lô cũng rất ngẫu hứng.
Họ đi thì rất nhanh, đặc biệt là các bạn Hà Lan đi bộ cực khỏe (Có lẽ vì dân nước này đi xe đạp nhiều nên cơ bắp họ rất khỏe) nhưng cũng có lúc dừng lại rất lâu, ngắm nhìn rất kỹ một điểm nào đó làm họ thích thú. Họ đặc biệt thích ghi lại khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà màu xanh của ruộng bậc thang Sa Pa xen lẫn với cảnh núi non hùng vĩ là rất hấp dẫn họ.
Nhà của người Giáy ở bản Tả Van
Chúng tôi lang thang khắp Sa Pả, Lao Trải, Ý Linh Hồ, Nậm Cang, Nậm Toóng, Bản Hồ, Hầu Thào, Giàng Ta Chải…Đi đâu cũng thường xuyên bị các “hậu vệ” từ già đến trẻ người H’mong kèm sát như hình với bóng. Liên tục chào mời mua đồ lưu niệm. Họ đeo bám hàng chục cây số không rời, bất chấp bị từ chối quyết liệt. Phải công nhận họ đi bộ giỏi hơn mình nhiều. Đi mãi nó thành quen.
Tôi đi bộ mỗi ngày cỡ 30km. Tối về chân tay mỏi nhừ. Được cái ngủ qua đêm là sáng hôm sau lại chiến đấu như thường. Ngoài trekking các bản làng thì trong mấy ngày ở Tả Van chúng tôi còn có dịp chơi ném còn rồi tham gia sinh hoạt văn nghệ ở bản với các điệu múa xòe, nhảy sạp…mà tôi từng xem nhiều lần ở Hòa Bình.
Tây ba lô cũng chơi ném còn ở bản Tả Van
Tây Ba Lô khi nói chuyện thì rất hứng thú nghe kể về các nét văn hóa truyền thống của người dân tộc. Khi trekking thì cực thích những khung cảnh hoang sơ, càng hoang sơ càng thích. Và thích tham gia du lịch một cách chủ động qua việc chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ cộng đồng…
Trở lại với người H’mong, ở Sa Pa, chủ yếu là chỉ có người H’mong nói tiếng Anh và một số ít người Dao dùng tiếng Anh cũng rất tốt. Nhưng chỉ người H’mong ở Sa Pa nói được tiếng Anh còn ở Mù Cang Chải, Mộc Châu, Hà Giang…thì không. Tôi thắc mắc là tại sao người H’mong lại nói giỏi tiếng Anh như vậy (ngay cả local guide ở Sa Pa cũng có rất nhiều em H’mong xinh tươi, chém tiếng Anh như gió luôn) thì cũng chỉ được giải thích là bởi tiếng H’mong phát âm nó cũng na ná tiếng Anh. Cái này thì chịu chưa kiểm chứng được.
Chơi nhảy sạp ở bản Tả Van
Tuy người H’mong ở Sa Pa nói tiếng Anh tốt (nhưng viết thì mù tịt) nhưng cuộc sống của đa số họ vẫn khó khăn hơn so với các dân tộc khác. Tôi cũng thắc mắc điều này thì được giải thích là bởi người H’mong tuy thế nhưng kỹ năng lao động của họ (cả chân tay lẫn trí óc) lại không bằng các dân tộc khác (?) và cuộc sống kinh tế của họ chật vật hơn nhiều so với người Dao, người Tày, người Giáy…
Tây ba lô ăn tối ở bản Tả Van
Mấy ngày ngắn ngủi ở Sa Pa là không đủ để đi hết các làng bản, trải nghiệm được nhiều cuộc sống của các dân tộc nơi đây. Nhưng nó vẫn mang lại cảm giác mới mẻ và thú vị, khác hẳn với kiểu ở nhà nghỉ/hotel. Tả Phìn, Tả Van, Trung Chải, Lao Chải, Má Tra, Hầu Thào, Giàng Ta Chải, Sa Pả, Dền Thàng, Seo Mí Tỷ, Ý Linh Hồ, Nậm Cang, Bản Hồ, Nậm Toóng… Bây giờ những cái tên này trở nên quen thuộc với tôi hơn nhiều và chắc chắn tôi sẽ lại homestay trong chuyến đi Sa Pa lần sau. Đơn giản vì tôi biết chắc có cả một “kho” văn hóa mà mình còn chưa chạm tới.
Tags