Theo truyền thống, giỗ tổ sân khấu được giới nghệ sĩ hát bội và cải lương cúng vào 2 ngày 11, và 12/8 Âm lịch hàng năm. Vào năm 2011, nghi thức đầy ý nghĩa tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn này đã trở thành Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 ÂL). Theo nhiều nghệ sĩ quốc tế và nghệ sĩ Việt Nam, thì hầu như chỉ mỗi Việt Nam có lễ mừng giỗ tổ sân khấu.
1. Tại phía Nam, nghi thức cúng tổ sân khấu được xem là quan trọng nhất diễn ra tại Nhà truyền thống sân khấu thành phố tại 133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM, vào ngày 11/8 Âm lịch (năm nay rơi vào ngày 25/9/2023). Bởi vì, đây là nơi gắn liền với hành trình lâu dài của giới nghệ sĩ miền Nam tiên phong như NSND Phùng Há, NSND Trần Hữu Trang, NSND Bảy Nam, NSND Nguyễn Thành Châu, nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Tư Chơi… Chính vì vậy, ngôi nhà này được xem như là tổ đình của giới nghệ sĩ phía Nam, và tất cả các lễ cúng hằng năm đều có sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ lão thành cùng lãnh đạo ngành văn hóa thành phố.
Năm nay, trong buổi lễ cúng tổ tại Nhà truyền thống có sự xuất hiện của một nghệ sĩ hài độc thoại người Australia tên Pierre Sinel. Anh đến đây với người vợ Việt Nam của mình, chị Hoàng Kim. Nhìn thấy các nghệ sĩ hát bội trình diễn nghi thức cúng tổ trang nghiêm và đẹp mắt, Pierre Sinel ngạc nhiên và trầm trồ. Anh cho biết: "Tôi nghĩ rằng có lẽ không có nơi nào trên thế giới này, ngoài Việt Nam, ngành sân khấu nói riêng và nghệ thuật diễn xuất nói chung có một lễ giỗ tổ đầy ý nghĩa thế này. Tôi được giải thích rằng nghi thức này dành tri ân người đã sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu và tri ân tiền nhân. Nhìn thấy khung cảnh này, tôi thực sự xúc động và lạ lẫm. Tại quê hương tôi không có một nghi lễ tương tự".
Kể từ khi ngày 12/8 Âm lịch được chọn làm Ngày Sân khấu Việt Nam, nghi thức cúng tổ không còn bó gọn trong lĩnh vực hát bội, cải lương, mà rộng sang cả kịch nói, ca nhạc, phim ảnh, xiếc… Kể từ đó, không khí cúng tổ diễn ra vô cùng sôi động. Vào 3 ngày 11, 12, 13/8 Âm lịch các nghệ sĩ hầu như dành phần lớn thời gian của mình đến hết tất cả các sân khấu để thắp hương. Trước tiên, là để tỏ lòng thành kính với tổ sau đó là dịp để anh em nghệ sĩ ngồi lại với nhau đàm đạo, chia sẻ buồn vui. Vì rằng ngày bình thường mỗi người mỗi việc không có thời gian ngồi lại cùng nhau.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ chọn cách cúng tổ tại tư gia chứ không đến sân khấu, bởi vì các nghệ sĩ ấy có bàn thờ tổ tại gia. Nghệ sĩ Trung Dân là 1 trong số những nghệ sĩ cúng tổ tại nhà. Anh mời một vài người bạn thân thích đến cùng chia vui, khấn nguyện tổ độ, hát hò và uống với nhau chén rượu chung trà.
Anh thổ lộ: "Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, nghề nào cũng có tổ. Trong đó có nghề ca hát. Theo tìm hiểu của tôi, có thể có sai sót, nhưng đến giờ vẫn chưa có quốc gia nào có nghi thức cúng giỗ tổ sân khấu như Việt Nam. Với chúng tôi, đây thực sự là một ngày hội lớn. Dẫu nghệ sĩ sống trong chốn thị phi, nhưng vào ngày này, chúng tôi tự nhắc nhở mình sống tốt nhất có thể. Việc tôi cúng tổ tại nhà cũng để cho các con tôi thấy tấm lòng uống nước nhớ nguồn của tôi bằng hành động thực tế".
2. Nghệ sĩ Mộng Tuyền là một tên tuổi lớn của cải lương miền Nam trước năm 1975. Hiện tại bà đã 76 tuổi, đang sinh sống tại Pháp. Gần đây, bà thường về Việt Nam và lưu trú tại quê nhà lâu dài. Vào ngày 11/8 Âm lịch năm Quý Mão 2023, bà được mời đến tư gia nghệ sĩ Trung Dân để cúng tổ. Dù cao tuổi, nhưng bà còn trẻ trung và khỏe mạnh. Bà vẫn đủ sức hát nhiều bài ca vọng cổ để dâng tổ. Giọng hát của bà vẫn khỏe và trong như thời trung niên.
Bà xúc động cho biết: "Tại Pháp, chúng tôi hầu như không thể tổ chức được giỗ tổ lớn như tại quê nhà. Bởi vì, ngày giỗ tổ thường rơi vào lịch làm việc của người Pháp, vì vậy, chúng tôi thường chọn ngày cuối tuần hẹn hò với vài anh chị em nghệ sĩ tụ lại nhà ai đó. Chúng tôi nấu vài món ăn và cúng tổ giống như những buổi cúng khác, không có gì đặc biệt. Về Việt Nam, được dự giỗ tổ, được gặp gỡ giới nghệ sĩ nhiều lứa tuổi, thật quá vui và cảm động".
NSƯT Thành Hội, chủ trì sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cùng với nghệ sĩ Ái Như, là người có một cảm nhận rất đặc biệt về ngày giỗ tổ. Anh chiêm nghiệm 2 từ "tổ nghề" và "tổ nghiệp". Theo anh, thì 2 từ này có nghĩa giống nhau, nhưng anh thích chữ "tổ nghiệp" hơn. Lý do vì nếu chỉ là nghề thì có thể làm thời gian ngắn thì thay đổi; còn nếu là nghiệp thì sẽ là công việc gắn bó trọn trời không thể thay đổi. Cụ thể, Thành Hội vào nghề năm 17 tuổi, đến giờ anh đã 65 tuổi. Suốt thời gian đó, dù đi qua bao khó khăn, anh chưa một lần đổi nghề mà vẫn trung thành với nghiệp dĩ mình đã chọn.
Thành Hội nói thêm: "Hồi tôi còn là một diễn viên trẻ, trong đoàn có một đạo diễn tài năng. Thỉnh thoảng ông cũng làm diễn viên. Một lần, ông bị bệnh rất nặng, trong hậu trường ông gần như sốt mê man, mình mẩy đau nhức. Nhưng đến lớp diễn, ông bước ra sân khấu là tỉnh hẳn. Diễn xong, vô trong ông nằm liệt. Rồi lại gượng dậy ra diễn đến hết vở rồi đi cấp cứu. Khổ vậy mà tiền lương rất ít. Tinh thần đó, ông xem nghề diễn là một nghiệp dĩ. Theo tôi, tổ nghề chính là những tiền bối có nhân cách lớn như thế. Chúng tôi luôn tưởng nhớ họ và học theo những điều hay lẽ phải".
Nói về ngày giỗ tổ với tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn, ngoài Nhà truyền thống sân khấu, một địa điểm khác mang giá trị tinh thần rất lớn đối với nghệ sĩ phía Nam chính là Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang tự) tại quận Gò Vấp, TP.HCM.
Vào năm 1958, NSND Phùng Há đã vận động Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế mua một miếng đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương, có diện tích hơn 6.000 m2. Đến năm 1969, bầu Năm Công xin nghệ sĩ Phùng Há dựng một cái am tu hành trong mảnh đất này. Ít năm sau, ông bầu Xuân bỏ số tiền rất lớn để biến cái am nhỏ thành một ngôi chùa theo nghi thức Phật giáo, còn diện tích đất rộng lớn phía sau chùa được dùng làm nghĩa trang chôn cất nghệ sĩ và gia đình nghệ sĩ.
Ngôi chùa này từng cưu mang và giúp đỡ vô số nghệ sĩ tài danh về già lâm cảnh khó khăn, cả những nghệ sĩ vô danh. Từ lâu, vào ngày giỗ tổ 11, 12/8 Âm lịch, nơi này cũng được tổ chức cúng giỗ tổ rất trang nghiêm. Nghi thức này được duy trì cho đến ngày hôm nay và thu hút được nhiều nghệ sĩ đến gửi lòng tri ân của mình đến tổ nghiệp.
Lễ cúng tổ tiếp diễn vào 2 ngày 12, 13/8 Âm lịch nhằm ngày 26, 27/9, tại tất cả các sân khấu, hãng phim. Thậm chí có những nghệ sĩ đang làm việc dở dang ở các tỉnh thành xa Sài Gòn, thì họ cũng tự tổ chức ngay nơi họ đang có mặt. Buổi lễ nào cũng có ý nghĩa như nhau.
Tags