Sách lấy tên Chích chích chích… đặt theo loài chim rất gắn bó với con người: chim chích, hay còn gọi là chim sâu, hoặc chim chích bông như cách gọi lãng mạn của các nhạc sĩ, thi sĩ. Nhưng họa sĩ Đỗ Đức không chỉ viết về chim chóc mà còn về một số loài thú và côn trùng khác trong rừng, những thứ hầu như xa lạ với thiếu nhi ngày nay.
“Tuổi thơ tôi dính với rừng, những ngày hái củi, những buổi thả trâu lần mò trong rừng kiếm quả rừng, đào hang bắt dúi, lội suối bắt cá” – họa sĩ chia sẻ.
Cuốn sách dễ đọc và sẽ làm giàu trí tưởng tượng của những đứa trẻ. Tác giả miêu tả chim, thú theo cách “buộc” người đọc phải vẽ ra một cảnh tượng trong đầu. “Rồi bụi hoàng lan tứ quý, chim sâu vào đấy để có phút giây tưởng tượng mình là bậc đế vương vì được tắm trong sắc hoa vàng trong vắt, quyện trong hương thơm ngào ngạt”.
Và chim cu gáy, tác giả gọi là “hoa hậu quý bà của rừng xanh vì dáng vẻ kiêu sa, nền nã”.
Đỗ Đức viết về con sông tuổi thơ của ông, sông Công, một thời mênh mang như biển cả, ghê người và hung dữ, từng khiến ông liên tưởng đến kiếp người mong manh. Nhưng chính dòng sông ấy, ngày nay chỉ như ao chuôm nước lững lờ. Chẳng khác gì sông Hồng, một thời “mênh mông trôi cát tới chân làng quê” như trong nhạc Đỗ Nhuận, nay vào mùa cạn có dáng dấp ao tù.
Ông viết một câu thấm thía: “Dòng sông cũng giống con người, cũng già đi theo năm tháng và cũng bất lực dần theo năm tháng”. Mà con người già đi thì chỉ còn là “vết tích một thời”. Tâm sự có vẻ buồn so với một cuốn sách dành cho thiếu nhi? Nhưng trẻ con ngày nay cũng lớn sớm, những tâm sự như thế hoàn toàn đáng để các em đọc và ngẫm nghĩ.
Cuốn sách mộc mạc, mỏng manh (74 trang), nên đọc để giữ tâm hồn trong trẻo. Trong trẻo đâu cứ phải là vui.
Sách do NXB Kim Đồng ấn hành, nằm trong bộ sách được Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường tiểu học miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thể thao & Văn hóa