Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động

Thứ Bảy, 26/04/2025 17:32 GMT+7

Google News

Giữa miền rừng ngập mặn Cần Giờ - nơi nước và bóng tối từng che chở một huyền thoại, di tích chiến khu Rừng Sác không chỉ là chiến trường xưa mà còn là một chứng tích sống, một trang sử không bao giờ khép lại.

Năm mươi năm sau ngày đất nước liền một dải, khi thế hệ hôm nay lớn lên trong ánh sáng hòa bình vẫn còn đó những "vùng ký ức" chưa từng ngủ yên. 

Huyền thoại đặc công Rừng Sác

Trong những ngày tháng 4 này, di tích chiến khu Rừng Sác tấp nập đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và tìm hiểu lịch sử. Phần nhiều trong số đó là các cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước về thăm viếng và tưởng nhớ đồng đội, đồng chí - những đặc công Rừng Sác đã bất khuất, quên mình, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Trong ký ức không bao giờ phai mờ của Trung tá Hoàng Kim Trừ (một cựu chiến sỹ đặc công thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 60, Sư đoàn 305), các chiến sĩ Trung đoàn 10 - đơn vị Đặc công Rừng Sác là những anh hùng huyền thoại. Họ đã anh dũng, quả cảm trong kháng chiến, lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân thù khiếp sợ.

Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động - Ảnh 1.

Du khách chăm chú nghe thuyết minh viên giới thiệu về những trận đánh vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ của các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Ảnh: Hữu Duyên - TTXVN

"Chiến tranh rất ác liệt, nơi sông nước mênh mông này, các anh, các chị thuộc Trung đoàn 10 Rừng Sác đã phải sống một cuộc sống kham khổ. Với ý chí quật cường của người chiến sỹ cách mạng, họ đã viết nên trang sử hào hùng cho Quân đội nhân dân Việt Nam, để đất nước được hòa bình, phồn vinh và thịnh vượng như hôm nay", Trung tá Hoàng Kim Trừ xúc động chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Thanh Bình (cựu chiến sỹ Đặc công thuộc Sư đoàn 305) tự hào kể lại, đặc công nước được đào tạo lối đánh luồn sâu, lót sát, đánh trúng, đánh đúng, đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch. Những người lính đặc công là phải đi "như báo rình mồi, tai nghe thính như thỏ ngọc, mắt sáng như vầng trăng mới mọc".

"Năm đó, Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được thành lập với phương châm bám dân, bám đất, bám vào địa hình dày đặc sông ngòi, len lỏi trong các vùng nhân dân che chở để xây dựng thế trận lòng dân. Đặc biệt, các đồng chí còn thực hiện nhiệm vụ đánh địch trên những dòng sông nhằm tiêu diệt sinh lực địch và nguồn cung ứng của địch chi viện cho Sài Gòn" - Đại úy Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động - Ảnh 2.

Di tích chiến khu Rừng Sác không chỉ là chiến trường xưa mà còn là một chứng tích sống, một trang sử không bao giờ khép lại. Ảnh: Hữu Duyên - TTXVN

Theo lời kể của ông Đặng Văn Hiệp (thuyết minh viên tại di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác), với lối đánh bất ngờ, táo bạo và đầy sáng tạo, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các chiến sỹ đặc công Rừng Sác đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến, đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000 - 13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch…

Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy là hơn 900 chiến sỹ đã hy sinh. Tại đây vẫn còn 542 liệt sỹ đến nay chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước thống nhất, non sông liền một dải.

Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động - Ảnh 3.

Nhiều đoàn cựu chiến binh trên khắp cả nước đến thăm viếng và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến khu Rừng Sác. Ảnh: Hữu Duyên - TTXVN

Di sản ký ức sinh động giữa thời bình

Từ những con người không để lại dấu vết, kỷ vật không tên và nhiều trận đánh không vinh danh rầm rộ, huyền thoại Đặc công Rừng Sác hiện lên như một biểu tượng của lòng trung thành, sự bất khuất và trí tuệ Việt Nam thời đại kháng chiến.

Hôm nay, Rừng Sác đã trở thành Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, là nơi du khách chèo thuyền, đi bộ xuyên rừng, hít thở không khí xanh. Tuy nhiên phía dưới lớp rừng ấy không chỉ có sinh thái mà là ký ức. Đó là một di sản ký ức đặc biệt của quốc gia - nơi mỗi thân cây là một nhân chứng, dòng nước là một phần lịch sử không lời.

Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động - Ảnh 4.

Du khách tìm hiểu về khu trưng bày mô phỏng về trận đánh kho xăng Nhà Bè của các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Ảnh: Hữu Duyên - TTXVN

Bạn Huỳnh Phương Thảo (sinh viên trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, em rất xúc động khi nhìn lại những kỷ vật trưng bày tại đây. Chỉ một đôi dép cũ với dòng chú thích "Đôi dép của một chiến sỹ không kịp trở về" hay những chiếc bình đông đựng nước, chiếc nón tai bèo đều không hề có tên. "Bạn có thể không biết tên người nhưng bạn không thể quên đôi dép đã từng vượt sông, vượt rừng và nằm xuống để chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình" - sinh viên Huỳnh Phương Thảo tâm sự.

Theo Thiếu tá Ngô Đức Thịnh (cựu chiến binh ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chưa kể đến những chiến công vang dội mà các chiến sỹ Trung đoàn 10 đã làm được, chỉ nhìn những mô phỏng sinh động trong khu di tích đã có thể hình dung toàn bộ sự khó khăn, gian khổ biết bao của các chiến sỹ đặc công năm xưa. Điều này cũng cho thấy sự sáng tạo vượt khó của họ, như những bồn chứa nước ngọt được ghép bằng thân cây, bên trong lót nylon, rồi buộc nhánh lá cây bó từ thân cây xuống làm máng hứng nước được sử dụng trong những tháng mùa mưa.

Chiến khu Rừng Sác: Từ huyền thoại đến di sản ký ức sinh động - Ảnh 5.

Rừng Sác đã trở thành Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, nơi du khách có thể chèo thuyền, đi bộ xuyên rừng, hít thở không khí xanh. Ảnh: Hữu Duyên - TTXVN

"Họ ngủ dưới nước, ăn rễ cây, lặn hàng giờ chỉ để phục kích một đoàn tàu, đánh xong là biến mất như chưa từng tồn tại. Họ là những Đặc công nước Trung đoàn 10, không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà còn rất sáng tạo trong ứng phó với điều kiện sống tự nhiên khắc nghiệt ở Rừng Sác" - Thiếu tá Nguyễn Đức Thọ cho biết.

Thán phục tinh thần vượt khó của các chiến sỹ Đặc công Trung đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác, Trung úy Đồng Quảng Toan (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Mỗi hiện vật là một câu chuyện sống động kể về những khó khăn gian khổ của các chiến sỹ; qua đó khiến chúng tôi, những người lính sau 50 năm thống nhất được đứng nơi đây tưởng nhớ về các anh rất đỗi tự hào và cảm phục".

Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, chiến khu Rừng Sác không chỉ cần được giữ gìn như di tích mà phải trở thành bài học sống động, một trường học về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và lòng biết ơn. Mỗi lần nhắc đến Rừng Sác, người trẻ không chỉ tự hào mà nên thấy trách nhiệm - giữ cho ký ức sống tiếp, bằng cách sống có lý tưởng, tử tế và cống hiến.

"Rừng Sác không kết thúc vào năm 1975. Nó vẫn tiếp tục sống qua từng bước chân trở về, từng học sinh đứng lặng bên đôi dép rách, từng người trẻ cúi đầu trước cuốn sổ tay ố vàng. Chúng ta không thể trả ơn cho những người đã khuất nhưng có thể làm một điều: Đừng để họ bị lãng quên. Hãy để nó trở thành di sản ký ức sống, soi rọi hôm nay và thắp đường cho mai sau" - Tiến sĩ Tạ Duy Linh nhấn mạnh.

Hữu Duyên/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›