Có y thuật, có y đức, thứ ông thiếu nhất là tiền để làm vốn khởi nghiệp. Nhưng, áp dụng chiến thuật 'mượn gió' và sống chết giữ vững chữ Tín, ông đã làm giàu và trở thành tỷ phú nhờ một cách có 1-0-2.
Vay mượn 'có chiến thuật'
Hoàng Sở Cửu là con trong một gia đình hành nghề y thời Nhà Thanh. Từ bé ông được trau dồi rèn luyện vốn kiến thức để chữa bệnh cứu người. Tuổi 16, Hoàng Sở Cửu quyết định đến Thượng Hải (Trung Quốc) sinh sống và muốn gây dựng sự nghiệp. Dẫu chí lớn nhưng khi đó tuổi đời còn trẻ nên ông đã khá vất vả để kiếm sống.
Cuộc sống của ông cũng đỡ hơn bằng việc buôn bán phương thuốc bí truyền của tổ tiên. Lúc đó Hoàng Sở Cửu có ý định mở một cửa hiệu. Số tiền ông dành dụm được sau một thời gian bán thuốc dạo chưa đủ để mở một hiệu thuốc tại đất Thượng Hải. Ông nghĩ "hay là mình đi vay?".
Nhờ vào quen biết với tầng lớp quý tộc Thượng Hải qua quá trình bốc thuốc chữa bệnh. Ông bắt đầu hỏi vay mỗi người một ít. Nhưng số tiền vay được cũng không đủ để mở một cửa hiệu nhỏ.
Các mối quan hệ của ông chỉ là xã giao, nên ông nào dám vay một số tiền lớn. Cũng chưa ai dám cho ông vay với số tiền như thế. Vì vậy, ông chỉ vay tiền, để đó và không động vào. Đến ngày trả lãi, ông trả đúng hẹn. Mục đích của ông là tạo uy tín, do đó tiền lãi ông phải trả là dùng tiền túi.
Một thời gian sau, khi uy tín hình thành; Hoàng Sở Cửu mới can đảm vay số tiền lớn; người cho vay cũng đủ tin tưởng để trao tiền cho ông.
Ông liền mở một hiệu thuốc khi vay đủ tiền. Hiệu thuốc về sau làm ăn phát đạt, chẳng mấy chốc ông đã trả hết nợ. 20 năm sau, ông đã trở thành tỉ phú giàu nhất nhì vùng đất Thượng Hải (Trung Quốc).
Câu chuyện làm giàu, trở thành tỷ phú của thầy thuốc Hoàng Sở Cửu đã để lại một bài học về chữ tín trong kinh doanh: Muốn nhận được sự giúp đỡ phải tạo lòng tin nơi người khác; mà muốn tạo lòng tin thì phải giữ chữ tín. Từ trước đến nay đã có nhiều tỷ phú xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Mỗi người có mỗi câu chuyện thú vị thể hiện năng khiếu kinh doanh bẩm sinh. Trở thành tỷ phú bằng cách có 1-0-2, vay tiền không tiêu mà trả lãi đúng hẹn như Hoàng Sở Cửu đúng thật hiếm thấy.
Tại sao chữ Tín là yếu tố quan trọng trong kinh doanh?
Trong cuộc sống thường ngày, chữ tín tạo nên sự tin tưởng, uy tín của một cá nhân với mọi người xung quanh. Nó giúp cho lời nói của chúng ta trở nên có trọng lượng, giành được lòng tin từ người khác. Thực hiện chữ tín đơn giản nhất là giữ đúng hẹn, thực hiện đúng lời hứa.
Chữ tín trong cuộc sống quan trọng bao nhiêu thì trong kinh doanh, giá trị định đoạt của nó gấp nhiều lần hơn như thế. Chữ tín trong kinh doanh được đặt ra như một chuẩn mực hình thành và phát triển thương hiệu. Nó thể hiện ở việc tạo lòng tin cho người lao động, khách hàng và đối tác.
Với những nhà tỷ phú hàng đầu, chữ tín được coi trọng như sinh mạng thứ hai của họ, là điều mấu chốt, là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và thực tế chữ tín đã là bài học đút rút ra của nhiều tên tuổi lớn trên thương trường.
Trong một bài báo đăng trên Bloomberg Businessweek, ông Amancio Ortega tỷ phú - ông chủ của Zara, đã phát biểu: "Là một doanh nhân, tôi quan tâm đến một số các nguyên tắc giá trị trong kinh doanh, trong đó hàng đầu là lòng trung tín".
Tương tự, người ta biết đến Lý Gia Thành như là người đàn ông quyền lực và giàu có nhất châu Á, một tỷ phú, một nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, nhà từ thiện và là người truyền cảm hứng. Ông còn được nhắc đến qua câu nói: "Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín... khi bạn để mất chữ tín của mình thì cho dù có đánh đổi bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng chẳng thể lấy lại được".
Những mối quan hệ được xác lập dựa trên sự tin tưởng sẽ bền chặt. Uy tín được hình thành chủ yếu thông qua việc giữ đúng lời hứa, đúng cam kết với người khác. Sự tin tưởng trong kinh doanh là điều đặc biệt quan trọng.
Tags