Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ nước này sẽ vay khoản tiền kỷ lục lên tới 270 tỷ euro (260 tỷ USD) vào năm 2023 để cân đối ngân sách trong bối cảnh giá năng lượng dự báo tăng cao trong mùa Đông.
Chính phủ Pháp dự kiến chi 45 tỷ euro để thực hiện cam kết giữ mức tăng giá điện và khí đốt ở mức 15% từ tháng 1/2023. Giá điện và khí đốt đã tăng vọt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine và các quan chức Pháp đang thúc giục chính phủ nước này đưa ra kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm tránh rơi vào tình trạng thiếu điện do xung đột kéo dài.
Pháp cũng thông báo sẽ tăng lương cho công chức như giáo viên, thẩm phán... trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ đạt 5,4% vào năm 2022 và 4,3% vào năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng có kế hoạch tuyển dụng thêm 11.000 nhân viên, qua đó đảo ngược cam kết cắt giảm 120.000 việc làm trong khu vực công được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra khi tranh cử tổng thống năm 2017.
Kế hoạch vay nợ của Pháp được đưa ra khi lãi suất khoản vay của chính phủ tăng trên toàn thế giới, với lãi suất trái phiếu Pháp kỳ hạn 10 năm chạm mức 2,71% trong ngày 26/9 - mức cao nhất kể từ tháng 6/2012.
Quyết định của Chính phủ Pháp vay nợ để trang trải một số khoản chi tiêu bổ sung được đưa ra dựa trên những dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế. Ông Le Maire nhận định lạc quan rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ đạt 1%, trong khi Ngân hàng trung ương Pháp và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra các mức dự báo lần lượt là 0,5% và 0,6%.
Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Pháp dự kiến sẽ lên tới 5% GDP, trên mức trần 3% được Liên minh châu Âu (EU) quy định (hiện tạm thời đình chỉ áp dụng do ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Ukraine). Nhiều khả năng, đến năm 2027, Pháp mới có khả năng thực hiện được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách giảm xuống dưới 3%.
Kế hoạch vay nợ của Chính phủ Pháp có khả năng vấp phải sự phản đối gay gắt trong Quốc hội, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Macron đã mất đa số ghế trong cuộc bầu cử đầu năm nay. Do đó, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ phải sử dụng một cơ chế hiến pháp cho phép thông qua một số luật nhất định mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.
- Kinh tế thế giới bất ổn trước các biến số khó lường
- Ảnh hưởng của biến thể Omicron đến sự phục hồi của kinh tế thế giới
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vẫn chưa có quyết định chính thức việc thông qua cải cách lương hưu, nâng dần tuổi nghỉ hưu chính thức từ mức 62 tuổi (một trong những mức thấp nhất của châu Âu).
Phương án khả dĩ nhất đang được bà xem xét là gắn nó vào một dự luật ngân sách riêng cho hệ thống an sinh xã hội dự kiến được biểu quyết vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc cải cách lương hưu nên được xem xét trong một dự luật riêng và được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
TTXVN
Tags