(Thethaovanhoa.vn) - 1935 đập Hoover được khai trương, không chỉ lớn nhất thế giới mà còn được coi là kỳ quan thứ 8 khả dĩ biến sa mạc thành đất màu. Đập Hoover chỉ là một trong vô vàn nỗ lực của con người muốn chinh phục thiên nhiên, song vì cao ngạo, vì không biết được giới hạn của mình và vì những xung đột nhân tạo bên cạnh thiên nhiên đỏng đảnh mà có lẽ mãi mãi đó chỉ là một mơ mộng viển vông.
Chung sống với lũ
… hay chinh phục nó? Có lẽ câu hỏi này cũng có tuổi đời tương tự như loài người. Những thắng lợi đầu tiên khiến con người sớm trở nên ngạo mạn, và cho đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt danh sách những dự án nắn ngược dòng chảy của sông, biến biển cả thành đất liền hay dịch chuyển núi non. Đập Hoover cũng ra đời trong bối cảnh ấy.
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt trong diễn văn khai mạc hồi năm 1935 đã ngừng giữa chừng: “Tôi không tìm ra lời nào…” Chỉ trong chưa đầy 4 năm, hàng ngàn công nhân đã đổ 2,6 triệu mét khối bê tông thành con đập vĩ đại ngăn dòng Colorado River. Giờ đây ông đứng trên bờ hồ chứa nước Mead, nhìn xuống vực sâu 220 mét và xúc động không nói nên lời.
Nhưng ông không im lặng lâu, mà như một chính trị gia lọc lõi, ông biết tận dụng thành tựu này để ca tụng sức mạnh của Mỹ cũng như chính sách kinh tế do ông đại diện. “Chúng ta đem lại công ăn việc làm cho người thất nghiệp, đồng thời nâng cao phồn vinh dân tộc”.
Thực tế Roosevelt đã khởi đầu cho hàng loạt cải cách kinh tế xã hội dưới cái tên “New Deal” lịch sử để thúc đẩy kinh tế Mỹ thoát khỏi hậu quả khủng hoảng 1929, trong đó có một chương trình xây dựng khổng lồ để củng cố niềm lạc quan của hàng triệu người thất nghiệp.
Với kinh phí 108 triệu USD, đập Hoover không chỉ là dự án đắt đỏ nhất, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng: đây là đập ngăn lớn nhất bên cạnh hồ trữ nước Lake Mead lớn nhất hành tinh. Khoảng 4.000 người làm việc trên công trường này từ 1931 đến 1935, và Công ty Xây dựng Six Companies đã dựng hẳn một thành phố Boulder City cho gia đình họ. Công trường hoạt động liên tục 3 ca và hoàn thành kế hoạch 1 năm sớm hơn dự định.
Công việc ở đây
… vô cùng cực khổ. Mùa Hè thiêu đốt với 50 độ C, ngay trong mùa hè đầu tiên đã có 16 người chết vì cảm nắng. Công ty thầu ngăn cản mọi hoạt động Công đoàn, ai định đình công là bị sa thải ngay; con số ứng viên tìm việc lên tới hàng ngàn khiến mọi nỗ lực phản kháng bị dập tắt ngay trong ý nghĩ. Nếu không xét đến khía cạnh đó thì đập Hoover quả là một thành tựu công nghệ vĩ đại. Để làm khô lòng sông, dòng Colorado được chuyển hướng qua 4 đường hầm rộng 17 mét. Sau đó người ta đặt móng rộng 201 mét, thon dần lên tới đỉnh đập là 14 mét. Dần dần các khối lập phương bê tông có cạnh 1,5 mét được chồng lên nhau, và nhiệt tỏa ra từ quá trình đông cứng bê tông được triệt tiêu bởi một hệ thống nước lạnh thông minh. Qua đó bê tông cũng nhanh định hình, vì nếu đổ một cục theo kiểu kinh điển thì đến hôm nay bê tông vẫn chưa cứng!
Cả nước Mỹ giở nhật trình mỗi ngày để theo dõi tiến trình xây đập Hoover. Đất nước này cần ngay một điểm sáng sau 6 năm khủng hoảng kinh tế, một thảm họa hạn hán miền Tây và nạn thất nghiệp tràn lan. Nhưng công trường này không chỉ góp phần tạo công việc, mà còn chế ngự dòng Colorado. Trong lưu vực của nó, sống Colorado liên tục đưa lại lũ lụt và hạn hán tùy theo mùa. Hồ trữ nước Mead sẽ bảo đảm điều hòa tưới tiêu, và khu vực Las Vegas khô cằn phải trở thành một vườn cây trù phú, giống như miền Nam California nhờ con kênh dài 260 dặm. Kinh phí khủng của đập Hoover sẽ được bù lại bằng tiền bán điện, và nhờ có điện mà kinh tế khu vực sẽ phát triển mạnh mẽ. Đó là con tính đơn giản mà thuyết phục của Roosevelt. Ông chỉ quên nhắc đến một chi tiết nhạy cảm: người mà con đập mang tên là Tổng thống tiền nhiệm của Đảng Cộng hòa Herbert Hoover, vì ý tưởng xây đập là của Hoover từ thập niên 1920. Roosevelt cũng quên nêu 2 cuộc đình công bị dập tắt, 112 công nhân bỏ mạng ở công trường, 42 người nữa nghi chết vì nhiễm thán khí trong hầm và cũng như vô vàn giờ làm thêm được trả tiền ở mức chết đói. Trong vụ kiện sau đó, Six Companies thoát hiểm nhẹ nhàng với số tiền phạt 175.000USD lãng xẹt.
Bài học lớn nhất
… từ dự án này là con người khó lòng chinh phục được thiên nhiên ở diện rộng. Từ niềm phấn khích sau diễn văn của Roosevelt, hôm nay không còn lại vài bong bóng xà phòng. Từ ngày ấy đến nay, mực nước hồ Mead liên tục giảm, có thể nhận rõ qua vệt màu sáng trên đập bê tông. Từ gần 20 năm nay, miền Tây Nam chịu hạn như chưa từng có trong lịch sử. Có vẻ như thiên nhiên đã không nương tay khi giáng lại đòn thù. Môi trường sinh thái hai bên bờ Colorado bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với những hậu quả chưa thể nghiên cứu hết.
“Ở miền Tây Nam Hoa Kỳ nhiệt độ tăng nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu, từ khi tác dụng điều hòa của một hệ thống dòng chảy tự nhiên bị giảm thiểu” - là đại ý một công trình nghiên cứu gần đây.
Con người dường như không thể tiên lượng được mọi hệ quả khi xâm phạm vào thiên nhiên, đặc biệt với những dự án thủy điện khổng lồ như một số ví dụ dưới đây:
Đập tràn Vajont (Italy): Ngày 9/10/1963 một trận đá lở đã trút hàng ngàn tấn đá sỏi xuống hồ, tạo ra một cơn sóng thần mang 25 triệu tấn nước tràn xuống thung lũng, xóa sổ làng Longarone và hơn 2.000 sinh mạng.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags