Kỳ tích Thường Châu hồi 2018 tạo ấn tượng U23 châu Á là giải đấu ưa thích của bóng đá Việt Nam. Sự thật không hẳn như vậy.
Hôm 23/11 vừa qua, kết quả bốc thăm chia bảng VCK U23 châu Á 2024 đã đưa U23 Việt Nam vào bảng D với các đối thủ Uzbekistan, Kuwait và Malaysia. Thể thức giải quy định hai đội đầu bảng sẽ giành vé vào tứ kết. Vượt qua vòng bảng cũng là mục tiêu đầu tiên của U23 Việt Nam dưới quyền HLV Philippe Troussier trên đất Qatar tháng 4 năm sau.
Đó không phải mục tiêu quá tầm với.
Thứ nhất, bảng D không phải đấu trường quá khốc liệt. Bỏ qua "ông lớn" Uzbekistan thì Kuwait và Malaysia đều là những đối thủ trong tầm U23 Việt Nam. U23 Malaysia chỉ tới VCK với vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng các đội đứng nhì tại vòng loại. Đấy là vị trí cuối, đồng nghĩa Malaysia là hành khách cuối cùng bước lên con tàu đi U23 châu Á. So với ĐKVĐ SEA Games Indonesia hay Trung Quốc, Malaysia là cái tên nhẹ nhàng nhất mà U23 Việt Nam có thể nghĩ tới ở nhóm hạt giống số 4.
Lên nhóm 3, lá thăm may rủi cũng giúp U23 Việt Nam tránh được người hàng xóm Thái Lan và UAE. Kuwait là đội đứng cuối nhóm hạt giống này và cũng chỉ qua vòng loại với tư cách đội nhì bảng. Họ cũng được xác định là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngôi nhì bảng với U23 Việt Nam tại VCK.
Thuận lợi thứ hai của thầy trò Troussier nằm ở yếu tố lực lượng. Khác với vòng loại hồi tháng 9 ở Phú Thọ, lực lượng U23 Việt Nam hiện tại đã tích lũy thêm đáng kể kinh nghiệm. Phần lớn đội hình chính đang đá chính ở V-League, nhiều người lên ĐTQG, thậm chí cá biệt như Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn còn đá chính trong các trận cầu đẳng cấp cao thuộc vòng loại World Cup.
Thời gian từ nay tới tháng 4/2024 sẽ giúp họ tiến bộ mạnh mẽ hơn. Việc V-League thay đổi thời gian tổ chức nghĩa là U23 Việt Nam sẽ tập trung vào giai đoạn cuối mùa giải quốc nội, thời điểm cầu thủ đạt phong độ cao nhất, có cảm hứng thi đấu lớn nhất. Đó cũng là quan điểm được chia sẻ bởi HLV Troussier: "Với sự chuẩn bị và tích lũy liên tục như vậy, tôi tin tưởng các cầu thủ và toàn thể đội bóng đang sở hữu sự tự tin và nền tảng nhất định để sẵn sàng đương đầu với thử thách sắp tới".
Đương nhiên, có thuận lợi thì cũng phải có khó khăn.
Kỳ tích Thường Châu 2018 tạo ấn tượng U23 châu Á là giải đấu ưa thích của U23 Việt Nam. Thực tế không hẳn như vậy. Cứ 4 năm một lần, giải đấu này được chọn làm vòng loại châu Á hướng tới Olympic. Điều đó dẫn tới khác biệt trong cách tiếp cận của các cường quốc với giải đấu này.
Hai kỳ U23 châu Á thành công của bóng đá Việt Nam đều không phải vòng loại Olympic (chung kết năm 2018 và tứ kết năm 2022). Ngược lại, hai lần giải đồng thời là vòng loại Olympic đều chứng kiến U23 Việt Nam dừng bước ngay vòng bảng. Đầu tiên là 2016 với HLV Toshiya Miura, kế tiếp là 2020 với chính HLV Park Hang Seo.
HLV Troussier và VFF hẳn nhiên hiểu rõ khác biệt ấy. Chừng nào còn hụt hơi ở những kỳ đấu quan trọng, U23 Việt Nam còn xa vời vị thế mà chúng ta mong muốn. Và tấm vé tới Olympic thì còn xa vời hơn.
"Chúng ta đều biết rằng VCK U23 châu Á lần này có tính chất đặc biệt với các đội bóng nói chung và cá nhân tôi nói riêng, bởi giải đấu đồng thời cũng là vòng loại hướng tới Olympic Games 2024 tổ chức tại Pháp. Sẽ không trận đấu nào dễ dàng bởi họ cũng đồng thời có chung ước mơ như chúng ta, đó là đi sâu nhất có thể và có chỗ đứng tại Paris 2024", ông Troussier chia sẻ.
Ngày ký hợp đồng với VFF, hướng tới Olympic 2024 là một trong những mục tiêu trọng tâm của ông thầy 68 tuổi. Với cá nhân HLV Troussier, Thế vận hội tới càng đặc biệt hơn vì nó được tổ chức ngay tại quê hương ông: Nước Pháp.
Tags