Tối qua, 26/11, hai cuộc thi âm nhạc cổ điển mang tên Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu và Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023 đã khai mạc. Đây là hai cuộc thi mà rất nhiều thí sinh đã chờ đợi từ lâu, nên họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ mong đến ngày được lên sân khấu.
Hai cuộc thi này do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp tổ chức. Sự kiện diễn ra tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đến hết ngày 1/12.
Sau Covid-19, sự trở lại của hai cuộc thi này là điều kiện lý tưởng dành cho các thí sinh theo đuổi âm nhạc cổ điển, để được thử sức mình và tìm kiếm cơ hội mở rộng con đường phát triển sự nghiệp.
Những điểm mới
Lần thứ 4 tổ chức, hai cuộc thi âm nhạc cổ điển năm nay có những điểm mới được xem là rất thuận lợi cho các thí sinh dự thi. Ví dụ như mỗi thí sinh thanh nhạc sẽ trình bày một aria (khúc hát độc lập trong các vở nhạc kịch) với bản gốc, không dịch giọng, hoặc hát tiếng nước khác. Yêu cầu này của cuộc thi tuy thể hiện tính chặt chẽ trong quy chế năm nay, nhưng lại giúp cho các thí sinh dễ lựa chọn các tác phẩm phù hợp với giọng hát của mình.
Ban giám khảo năm nay sẽ có thêm nhân tố quốc tế. Theo đó, bên cạnh các nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc, nghệ sĩ có uy tín trong nghề, là những người đã từng thành công tại cuộc thi này tham dự, mỗi hội đồng giám khảo sẽ có thêm một giám khảo quốc tế, có danh tiếng đến từ Nga, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) tham dự. Các trưởng ban giám khảo tại mỗi tổ thi cũng được công bố công khai trước cuộc thi. Cụ thể, GS Ngô Văn Thành (violin), NGND Trần Thu Hà (piano), PGS-TS Nguyễn Huy Phương (hòa tấu, thính phòng), NSND Quang Thọ (thanh nhạc).
Như chia sẻ của NSƯT Trần Ly Ly (Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn), hai cuộc thi được tổ chức với mong muốn tìm kiếm tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng, động viên, khuyến khích và tôn vinh các tập thể, cá nhân có tâm huyết với nghề.
"Trước hết, đây là cơ hội để mỗi thí sinh được tiếp cận, cọ xát với những tác phẩm lớn, có quy mô trong cuộc thi để vượt qua chính mình, được xã hội đánh giá. Từ đó, có cơ hội tiệm cận với tác phẩm lớn của thế giới. Nhìn vào kết quả cuộc thi, chúng tôi sẽ có những đường hướng trình các cấp thẩm quyền về học bổng hoặc các kế hoạch đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước để các thí sinh đoạt giải có cơ hội phát triển và được đứng trong hàng ngũ các nghệ sĩ quốc tế" - bà Ly Ly cho biết.
Xây dựng thương hiệu
Tính đến nay, cả hai cuộc thi trên đều có lịch sử đi qua vài thập niên. Cuộc thi Hát thính phòng lần đầu tổ chức mang tên Cuộc thi hát Bel Canto diễn ra năm 1996. Sau một thời gian gián đoạn, cuộc thi trở lại và nhập cuộc với cuộc thi Âm nhạc mùa Thu năm 2004 và 2009, được gọi là Concours mùa Thu. Trong khi đó, cuộc thi Âm nhạc mùa Thu diễn ra lần đầu tiên năm 1990, đến nay cũng đã 33 năm.
Dù gián đoạn hoặc thay đổi tên gọi, nhưng dấu ấn từ những lần tổ chức trước với nhiều tên tuổi nghệ sĩ, nhà giáo đã thành danh từ cuộc thi như pianist Đào Trọng Tuyên, Bích Trà, nghệ sĩ violin Lê Hồ Hải, Bùi Công Duy, Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam, giọng nam trầm Đỗ Quốc Hưng… đã làm nên thương hiệu vững mạnh cho hai cuộc thi.
Vì thế, "quan trọng nhất là giải Nhất ở hai cuộc thi này phải xứng đáng. Vì đây còn là thương hiệu quốc gia. Chúng tôi rất tự hào vì giá trị cuộc thi đã được xây dựng bởi nhiều thế hệ trước đây một cách rất quy củ và bài bản. Nên những thế hệ sau như chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm trước việc tiếp nối truyền thống của cuộc thi này" - nghệ sĩ Bùi Công Duy (thành viên Ban giám khảo) khẳng định.
Môi trường cạnh tranh
Chia sẻ thêm về hành trình âm nhạc cổ điển đã và đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay như thế nào? Nghệ sĩ Bùi Công Duy cho rằng, thời nay, theo đuổi âm nhạc cổ điển khó hơn trước rất nhiều.
"Để tập trung chuyên sâu trong lĩnh vực này là một thách thức lớn đối với mỗi cá nhân. Vì âm nhạc cổ điển hiện nay có môi trường cạnh tranh rất cao khi mà loại hình nghệ thuật này đã không còn thuộc về quốc gia nào (trước đây là châu Âu). Điều này cũng khiến thước đo chuẩn mực cho âm nhạc cổ điển lại càng được đẩy lên cao, mà các nước có sự quan tâm đào tạo loại hình này đều chịu ảnh hưởng chung về xu hướng hoàn thiện".
Bùi Công Duy nói thêm: "Tại Việt Nam, khó khăn chung trong lĩnh vực này là chúng ta rất cần có thêm những "hành lang xanh" để có những bước phát triển đột phá. Khó khăn nữa là với xu hướng phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, phát triển văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng sẽ không thể nhìn thấy ngay được, mà đòi hỏi sự đầu tư dài hơi với chiến lược tổng thể và có sự kết hợp đúng lúc".
"Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều ưu thế, như không ở nơi nào học nhạc cổ điển lại rẻ như ở Việt Nam" - anh nhấn mạnh - "So với khu vực là chúng ta có điều kiện học tập hơn hẳn, các tài năng bây giờ cũng có điều kiện trưởng thành sớm hơn so với các thế hệ cách đây 30 năm rất nhiều".
Trước thềm cuộc thi, hội đồng chấm thi chúc các thí sinh sẽ thể hiện tốt những thế mạnh của mình và tin rằng kết quả tốt đẹp sẽ là cơ hội mở rộng tương lai lớn cho những người đoạt giải.
Gần 170 thí sinh tranh tài
- Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu 2023 có 107 thí sinh. Tranh tài ở hai nội dung: Độc tấu âm nhạc thính phòng (piano, violin); hòa tấu âm nhạc thính phòng (tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, các hình thức hòa tấu khác).
- Cuộc thi hát Thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023 có 60 thí sinh. Tranh tài ở hai nội dung: hát (giọng nữ cao, nữ trung, nam cao, nam trung, nam trầm); hợp xướng (hợp xướng nam, hợp xướng nữ, hợp xướng hỗn hợp).
Tham gia hai cuộc thi này là các thí sinh/nhóm thí sinh đã và đang theo học/làm việc tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, có tư cách pháp nhân, đủ độ tuổi quy định ở từng nội dung thi. Sẽ có 15 phút (độc tấu) và 20 phút (nhóm hòa tấu) cho các thí sinh tập sân khấu trước giờ thi.
Các giải thưởng Nhất, Nhì, Ba và các giải phụ sẽ do Bộ VH,TT&DL trao. Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 2/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tags