Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"?

Thứ Ba, 22/10/2024 07:21 GMT+7

Google News

Ngày xưa có một chuyện tình dự kiến sẽ có buổi chiếu ra mắt báo giới tại TP.HCM trước khi có những suất chiếu sớm vào cuối tuần. Và một câu hỏi đang được quan tâm ở thời điểm này: Phim sẽ giữ được những gì từ "tinh thần gốc" trong nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?

1. Tác phẩm văn học vốn là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác. Và thực tế, điện ảnh Việt Nam ngày càng có nhiều bộ phim chuyển thể ra đời. Tuy nhiên, việc mang vẻ đẹp con chữ lên màn ảnh vốn không phải là điều dễ dàng: Câu chuyện trong sách có thể hấp dẫn nhờ sự sáng tạo của tác giả và cách tiếp nhận của người đọc, nhưng khi khi lên phim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như diễn xuất, bối cảnh, âm thanh…

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 1.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (trái) và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) tại buổi giao lưu. Ảnh: Anh Thư

Cách đây ít lâu, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, buổi giới thiệu phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) đã được tổ chức. Đáng nói, dù có nhiều tác phẩm được chuyển thể trước đó nhưng đây là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện tại một buổi giới thiệu phim. Ngay từ sớm, nhiều bạn trẻ đã có mặt để giao lưu cùng ê-kíp đoàn phim và tham gia buổi ký tặng sách.

Trò chuyện về quá trình làm phim chuyển thể, biên kịch, nhà sản xuất Nhi Bùi nêu rõ: "Quan trọng nhất trong phim chuyển thể là giữ được tinh thần của tác phẩm. Còn việc thay đổi là việc phải làm do đặc thù thể loại".

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 2.

Một cảnh trong “Ngày xưa có một chuyện tình”

Chuyển thể không phải là sao chép toàn bộ những gì đã có trong sách lên màn ảnh. Cách truyền tải của văn học là chữ viết. Sau khi đọc tác phẩm, tùy vào trí tưởng tượng mà mỗi người sẽ có hình dung riêng cho mình về thế giới trong truyện. Mặt khác, điện ảnh sử dụng hình ảnh để biểu hiện. Người xem lúc này có thể nhìn thấy các nhân vật bước ra ngoài đời thật. Khi đó, nhân vật trong phim có thể giống hoặc khác so với liên tưởng ban đầu của người đọc.

Ngoài ra, giữa văn học và điện ảnh còn có sự chênh lệch về thời lượng. Không thể với 120 phút trên màn ảnh có thể kể lại toàn bộ nội dung quyển sách hơn 200 trang. Do đó, lược bỏ tình tiết là điều buộc phải làm. Cũng dễ hiểu khi bộ phim khi ra mắt "thiếu chỗ này, thừa chỗ kia" so với nguyên tác.

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 3.

Dưới góc độ của một tác giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ sự tôn trọng dành cho các đạo diễn: "Sau khi suy nghĩ nhiều hơn về sự khác biệt thể loại thì tôi cũng đã nhận ra những khó khăn của các đạo diễn. Kể cả những đạo diễn phải cắt bỏ những tình tiết trong sách, khi gặp tôi vẫn nói rằng thật ra chi tiết đó họ rất thích nhưng không thể đưa vào phim. Bỏ đi họ cũng tiếc đứt ruột".

2. Khi được hỏi về những thay đổi Ngày xưa có một chuyện tình ở bản điện ảnh, biên kịch, nhà sản xuất Nhi Bùi cho biết: "Thay đổi quan trọng nhất của phim nằm ở thế giới nhân vật. Cụ thể là vệ tinh xung quanh 3 nhân vật chính Miền, Phúc và Vinh."

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 4.

Dàn diễn viên góp mặt trong phim Ngày xưa có một chuyện tình. Ảnh: Anh Thư

Tham gia diễn xuất cho dự án lần này đều là các gương mặt trẻ. Trong đó, Ngọc Xuân và Đỗ Nhật Hoàng là những cái tên lần đầu chạm tay vào địa hạt điện ảnh. Riêng Avin Lu trước đây đã từng ghi dấu ấn với vai Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh. Sau khi xem trailer, cả 3 đều được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho là "phù hợp với truyện" về ngoại hình.

Tại buổi giao lưu, diễn viên Ngọc Xuân, thủ vai Miền, tiết lộ bí quyết để cô có thể trở thành một cô gái nông thôn. Tất cả nhờ vào sự giúp sức của gia đình. Khi hay tin đậu vai, cả nhà Ngọc Xuân liền mở "workshop" nấu cám heo, rèn luyện kỹ năng chăm sóc heo cho người đẹp. Lần đầu đóng phim, đây cũng là dự án đầu tiên Ngọc Xuân có cảnh nóng trên màn ảnh. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh lên tiếng khẳng định cảnh nóng xuất hiện không phải để câu khách mà là yếu tố cần thiết giúp phát triển mạch truyện.

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 5.

(Từ trái sang phải) Biên kịch, NSX Nhi Bùi, Phan Mạnh Quỳnh, Đỗ Nhật Hoàng, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Ảnh: Anh Thư

Đặc biệt, sự kiện còn xuất hiện nam ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Không chỉ là người thể hiện ca khúc chủ đề, Phan Mạnh Quỳnh được chính đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ưu ái giao cho một vai nhỏ trong phim. Anh sẽ hóa thân thành chính tác giả của bộ truyện ở tuổi 40. Nam ca sĩ bày tỏ sự xúc động khi nhận được cơ hội hiếm có này. Bởi tuổi thơ anh gắn liền với ngòi bút của nhà văn.

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 6.

Phan Mạnh Quỳnh trình diễn nhạc phim “Ngày xưa có một chuyện tình”. Ảnh: Anh Thư

Được đà thăng tiến, sau thành công với nhân vật Tấm trong phim Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn), Rima Thanh Vy tiếp tục chinh phục vai diễn mới. Như lời kể, trong phân cảnh nhân vật Lụa chịu đòn từ cha khi bị cấm yêu đương, Rima Thanh Vy đã để diễn viên Mai Thế Hiệp đánh mình bằng roi mây thật mạnh và bầm tím tới hôm sau. Lý do: Cô chấp nhận chịu đau để cảnh quay chân thật vì trước đó chưa có kinh nghiệm cho việc này.

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 7.

Avin Lu (giữa) vai Vinh trong phim. Ảnh: Anh Thư

Ngày xưa có một chuyện tình từ khi công bố dự án đã được so sánh với một bộ phim chuyển thể khác là Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ), từng tạo nên cơn sốt phòng vé năm 2019 với doanh số hơn 160 tỷ đồng. Điểm chung giữa 2 tác phẩm là cùng nói về mối tình tay 3 và lấy cột mốc ở tuổi học trò. Điều này dấy lên lo ngại rằng Ngày xưa có một chuyện tình phải chăng chỉ là một phiên bản khác của Mắt biếc?

Và chính "cha đẻ" Nguyễn Nhật Ánh của 2 truyện đã phản hồi: "Ở Mắt biếc là chuyện tình giữa Ngạn, Hà Lan và Dũng. Nhưng Dũng với Ngạn không phải là những người bạn thuở ấu thơ như Phúc và Vinh. Thành ra, trong Mắt biếc sẽ không có sự đấu tranh giữa tình bạn và tình yêu".

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 8.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (trái) cùng dàn diễn viên. Ảnh: Anh Thư

Là một tác phẩm chuyển thể, thế nên Ngày xưa có một chuyện tình không thể tránh khỏi sự so sánh. Nhưng nếu biết tái tạo đúng hướng và sáng tạo đúng chỗ thì phim chuyển thể vẫn sẽ được công chúng hết lòng đón nhận. Với những gì Ngày xưa có một chuyện tình đang có, bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ đáng gờm cho thị trường phim Việt Nam tháng 10 này.

Chờ gì ở "Ngày xưa có một chuyện tình"? - Ảnh 10.

Không khí tại buổi giao lưu. Ảnh: Anh Thư

Ngày xưa có một chuyện tình có suất chiếu sớm vào ngày 25/10/2024. Dự kiến khởi chiếu ngày 1/11/2024.

Anh Thư

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›