Những trận đấu thành công của U20 Việt Nam vô tình tăng thêm áp lực cho màn ra mắt của tân HLV Philippe Troussier, dù đó chỉ là một buổi đá tập giữa 2 đội bóng mà ông đang dẫn dắt. Một sự tình cờ khá thú vị, bởi đội tuyển quốc gia tham gia đá tập ấy lại hoàn toàn của HLV Park Hang Seo.
1. Tính đến thời điểm này, việc ký hợp đồng với một nhà cầm quân lão luyện và có đẳng cấp World Cup như ông Troussier là một chọn lựa hợp lý và kịp thời. Năm ngoái, U23 Việt Nam chơi tốt ở Cúp châu Á và năm nay, đến lượt U20 cũng trình diễn một phong độ thuyết phục.
Xét về tính kế thừa, thì chắc chắn HLV trưởng nào cũng thích. Ở phía ngược lại, việc tính toán kế hoạch và đặt mục tiêu đường dài với các nhà quản lý cũng dễ dàng hơn. Và ở một hoàn cảnh có phần thuận lợi như vậy, thì chọn một nhà cầm quân đã và sẽ làm việc được cùng lúc với 3 đội tuyển sẽ là cơ hội để bóng đá Việt Nam đẩy nhanh tham vọng giành vé World Cup.
Thời còn dẫn dắt U19 Việt Nam, ông Troussier nhiều lần khen tiềm năng của cầu thủ Việt Nam. Còn nhớ ở vòng loại giải U19 châu Á 2020, HLV của U20 Nhật Bản cũng khen cầu thủ trẻ Việt Nam tiến bộ nhanh dưới bàn tay của ông Troussier. Một số cầu thủ khi đó hiện đã lên tập cùng U22 với ông Troussier.
Nếu mở rộng đội tuyển Việt Nam, bắt đầu từ tuổi 20 trở đi, thì có thể nói trong tay ông Troussier có số lượng nhân sự rất lớn, tha hồ mà tuyển chọn. Ví dụ như 3 trường hợp Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang hay Nguyễn Quốc Việt ở U20 hiện đều có thể được đưa thẳng lên đội tuyển quốc gia mà không có vấn đề gì.
2. Có một sự khác biệt về con người giữa HLV Troussier và người tiền nhiệm. Ông Park Hang Seo tiếp nhận mội đội bóng trẻ đã có sẵn kinh nghiệm thi đấu, với 2 lứa cầu thủ U19 nối tiếp nhau. Việc của ông Park là chuyển hóa các ngôi sao trẻ ấy thành những chiến binh. Có rất ít áp lực.
Trong khi đó, HLV Troussier có thể sẽ sử dụng đến 3 thế hệ cầu thủ khác nhau. Nhóm cựu binh đến từ V-League như Đỗ Hùng Dũng, Đặng Văn Lâm…Nhóm cầu thủ trưởng thành từ U23 châu Á và nhóm U20+U23. Nâng cấp họ đã là chuyện khó, tìm kiếm sự hòa hợp giữa họ còn khó hơn. Những con người này, không chỉ khác nhau về tuổi tác mà còn là kinh nghiệm, cũng như việc họ là người của ông Park Hang Seo vốn đã quen với một phong cách chơi bóng được định hình. Đó là một khối rubik đa sắc thái.
Cái khó của ông Troussier chính là áp lực dành cho ông đang ngày một lớn dần. Đó không phải là điều quen thuộc của nhà cầm quân người Pháp, ít nhất là trong 7 năm trở lại đây, kể từ khi ông không còn dẫn dắt các đội bóng chuyên nghiệp. Công việc sa bàn mà ông Troussier làm gần nhất, đó là huấn luyện U19 Việt Nam, nhưng ở thời điểm đó ông khá thoải mái khi tiếp nhận đội từ tay HLV Hoàng Anh Tuấn sau thất bại ở giải U18 Đông Nam Á 2019.
Bây giờ, chính ông Tuấn lại vừa tạo ra một thứ áp lực không nhỏ thông qua giải U20 châu Á. Nó cho thấy bóng đá Việt Nam đang phát triển, cũng có nghĩa là ông Troussier phải làm cho mọi thứ tốt hơn, khác biệt hơn các đồng nghiệp của mình.
3. Xét tổng thể, số chuyên gia nước ngoài thất bại ở Việt Nam chiếm số lượng khá ít. Đa số đều để lại dấu ấn, nhưng tạo ra những giá trị khác biệt, hay có thể nói là di sản, thì chỉ có HLV Park Hang Seo. Nói cách khác, chất lượng cầu thủ Việt Nam không tệ, nên thành công thì không khó, quan trọng là thành công vượt bậc. Đấy chính là điều mà bóng đá Việt Nam chờ đợi ở ông Troussier.
Để dễ hình dung, cứ lấy trường hợp của CLB Hà Nội FC. Họ thống trị gần như tuyệt đối đấu trường quốc nội nhưng lại không thể vươn ra khỏi tầm vóc của một đội bóng đến từ Việt Nam. Một đội bóng có đến gần chục tuyển thủ quốc gia, U23 cộng với các ngoại binh có đẳng cấp nhưng vẫn chật vật với tham vọng ra biển lớn.
Trong kinh tế, có thuật ngữ "bẫy thu nhập trung bình" ("bẫy thu nhập trung bình", hay còn được gọi là "Middle Income Trap" trong tiếng Anh, là một thuật ngữ kinh tế để chỉ tình trạng một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định nhờ những lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, sau đó lại không thể bứt phá để lên mức cao hơn mà chỉ dậm chân tại chỗ - PV) thì trong bóng đá có lẽ cũng không khác mấy. Để phá bỏ điều đó, không đơn giản chút nào, đôi khi là không thể.
Nên thế mới cần ông Troussier và khả năng xoay rubik của ông. Khác với thời HLV Park Hang Seo, đội ngũ trong tay ông thầy người Pháp đều từng chơi ở các giải châu Á, tức là trình độ đã được xác định và kinh nghiệm không thiếu.
Nhưng ngay bản thân cầu thủ, họ cũng nhận thức rõ giới hạn của mình khi chơi bóng ở đấu trường châu lục. Còn đối với đội tuyển quốc gia, sau AFF Cup 2022, cũng ít nhiều cảm nhận được rào cản Thái Lan vẫn còn nguyên bất kể chúng ta tiến bao xa trong mấy năm qua. Chính cầu thủ, cũng đang kỳ vọng vào ông Troussier.
4. Cũng nên nhìn một chút sang Thái Lan. Dưới triều đại của HLV Kiatisuk, họ có những thành tích đặc biệt. Và cũng như Việt Nam, họ quyết định sẽ nâng cấp chiếc ghế HLV trưởng với những tên tuổi từ châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, tất cả đều không thành công, kể cả khi Thái Lan đang có một lứa cầu thủ xuất sắc khi chơi bóng nhiều năm ở nước ngoài.
Khi quyết định hợp tác lâu dài với HLV Alexandre Polking, có vẻ như Thái Lan cũng đã tự hạ mục tiêu của mình. Có thể là họ hiểu rằng, việc giành vé dự World Cup hay đạt trình độ tốp đầu châu Á là chuyện lâu dài, chẳng thể đến từ chuyện HLV ở đẳng cấp nào.
Sẽ còn rất lâu để ông Troussier có thể đối đầu với một đội tuyển Thái Lan ở một sân chơi lớn khi mà AFF Cup 2024 hãy còn xa, SEA Games thì chỉ mang giá trị tham khảo. Đó lại thêm một áp lực khác của ông Troussier.
Người Thái đã chuyển hướng, còn ông Troussier thì vừa đến Việt Nam để đối đầu với thách thức mà Thái Lan đã từng thất bại. Thời ông Park Hang Seo, chúng ta tưởng có lúc đã bỏ qua được "nỗi ám ảnh" Thái Lan, nhưng thực tế thì ngược lại.
Đội tuyển Việt Nam mà ông Troussier gặp gỡ và làm việc cuối tuần này chính là những người vừa cảm nhận được sự khó khăn trong việc vượt qua Thái Lan sau 2 thất bại gần nhất ở 2 kỳ AFF Cup.
Đó là một phần trong khối rubik mà ông Troussier phải tìm cách giải. Và tất nhiên là chưa đề cập đến sự chờ đợi của người hâm mộ Việt Nam, những người mà ông Park Hang Seo đã từng đúc kết là "rất yêu bóng đá nhưng đó là bóng đá chiến thắng".
HLV Troussier đánh giá cao lứa cầu thủ vừa dự AFF Cup 2022
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều ngày 7/3, HLV Troussier nói: "Từ nay đến vòng loại World Cup 2026 còn khá xa nhưng về lý thuyết tôi nghĩ có khoảng 45 đến 50 cầu thủ tham gia được vào hành trình này.
Với lứa cầu thủ U23 hiện tại, tôi cần thời gian đánh giá, quan sát họ trong những ngày tập luyện tới, nhất là khi họ được cọ xát với đội tuyển quốc gia. Với lứa cầu thủ dự AFF Cup chỉ vài tháng trước đây thôi, tôi nghĩ họ là những cầu thủ Việt Nam tốt nhất hiện tại. Tôi chờ được làm việc với họ, truyền tải những ý tưởng chiến thuật.
V-League 2023 mới chỉ diễn ra được 4 vòng đấu còn mùa giải cũ đã qua lâu rồi. Tôi đã nhận diện được nhiều cầu thủ tốt nhưng thời gian quá ngắn nên tôi chỉ tập trung vào số cầu thủ được HLV Park Hang Seo lựa chọn mà thôi".
Thời gian tới khi V-League trở lại, hạng nhất diễn ra, tôi sẽ có cơ hội quan sát, đánh giá những cầu thủ tiềm năng một cách rõ ràng hơn. Hiện tại tôi đang tập trung cho nhóm cầu thủ U23 nhưng cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về những cầu thủ khác nữa.