(Thethaovanhoa.vn) - Tối 10/1, quận Hoàn Kiếm đã khai mạc chợ hoa Tết truyền thống Hàng Lược và các hoạt động tại Không gian Bích họa phố Phùng Hưng, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của người dân Hà Nội và du khách dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Chợ hoa Tết nằm trên các tuyến phố: Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và tuyến phố bích họa Phùng Hưng (đoạn từ phố Lê Văn Linh tới Hàng Cót) thuộc không gian khu Phố cổ Hà Nội. Chợ diễn ra từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày, kéo dài đến ngày 24/1 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) với các ngành hàng như: Hàng quất tại ngã ba phố Hàng Rươi – Hàng Lược; hoa tươi và hoa đào tại khu vực phố Hàng Khoai và ngã ba phố Hàng Khoai – Hàng Lược; đồ giả cổ tại ngã năm phố Hàng Lược – Hàng Mã – Chả Cá – Thuốc Bắc – Hàng Rươi; hàng trang trí tại phố Hàng Mã.
Ngoài ra, hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian, nặn tò he… diễn ra tại Không gian Bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng; các hoạt động văn hóa nghệ thuật hát xẩm, viết chữ thư pháp… diễn ra tại các vòm cầu hai bên cạnh khu vực tranh Bích họa phố Phùng Hưng.
Các chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống như chợ hoa Tết gắn với các hoạt động tại Không gian Bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng, góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản của khu Phố cổ Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.
Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi và Hàng Khoai mà người dân thường quen gọi là Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Phố cổ nói riêng và người dân Hà thành nói chung trong suốt cả thế kỷ gần đây. Xưa kia, mỗi khi Tết đến, Xuân về, người nông dân trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng của Hà thành như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… thường mang các loại cây cảnh, hoa đến bán tại khu chợ này.
Nét đặc biệt của Chợ hoa Tết truyền thống là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ Rằm cho đến ngày 30 tháng Chạp và càng gần Tết thì càng đông vui, tấp nập, tạo nên một không gian náo nhiệt, mang đậm không khí Tết truyền thống của Hà thành.
Từ năm 2018, bên cạnh việc tổ chức Chợ hoa Tết truyền thống, UBND quận Hoàn Kiếm kết hợp tổ chức các hoạt động tại Không gian Bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng, tạo nên không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng là tiền đề hình thành tuyến phố Phùng Hưng phát triển theo định hướng dịch vụ, thương mại, du lịch gắn kết với không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và Chợ hoa Tết hàng năm trên địa bàn quận.
Linh Anh/TTXVN
Tags