(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây ở TP.HCM có chương trình đi để học với chủ đề “Kể chuyện Chợ Lớn” khá thú vị, vì người tham dự không chỉ có đi để nhìn, mà đi để biết.
Gần đây cũng có hàng chục đầu sách viết về Chợ Lớn ra mắt, trong đó tiêu biểu có bộ “Sài Gòn - Chợ Lớn” (4 tập) của Nguyễn Đức Hiệp, “Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn” của Nguyễn Đình... Đây là một tín hiệu đáng chú ý, vì Chợ Lớn đã là một thuộc tính văn hóa máu thịt của Việt Nam, cần nhiều nghiên cứu rộng, sâu và tinh tế hơn nữa.
Đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa định hình tại vùng văn minh có lịch sử mấy ngàn năm. Nhưng nếu nhìn lịch sử mới hơn, thì có lẽ bắt đầu từ cột mốc trước 1698 một chút, khi đó ở đây còn gọi là Đề Ngạn (nắm giữ bờ sông) hoặc Tây Cống (cống phẩm của phía Tây).
Ngay lúc đó ở đây đã có làng Minh Hương của người Hoa sinh sống. Do không thần phục nhà Thanh, họ trốn đến miền Nam Việt Nam xin cư trú, tìm vùng đất phúc. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình, chiêu mộ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xóm mới, những người Việt bản địa và người Hoa đã tạm cư tại đây đều được ghi vào sổ bộ nước Việt của chúa Nguyễn.
Trong 54 dân tộc bản địa làm nên nước Việt ngày nay, theo số dân, người Hoa xếp thứ 8, sau Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam vào tháng 1/2009 thì có hơn 823 ngàn người Hoa, chiếm khoảng 0,95% dân số cả nước, mà khu vực Chợ Lớn chiếm hơn 50% trong số đó. Nhìn vậy để thấy đất mẹ Việt Nam đã dung nạp và dung hòa thành công rất nhiều câu chuyện văn hóa, trong đó có văn hóa người Hoa.
Trong các chuyến “du hành” vào Chợ Lớn, mới nhìn chúng ta dễ choáng ngợp rằng nơi đây văn hóa truyền thống đậm đặc quá. Nhưng thực tế thì quá trình chuyển hóa từ Hoa - Việt sang Việt - Hoa, rồi Việt gốc Hoa đã liên tục diễn ra, làm cho cộng đồng văn hóa Chợ Lớn ngày nay trở thành một thực thể riêng biệt, thú vị. Cộng đồng này - với ký ức “phản Thanh, phục Minh” - khiến họ chẳng còn giống bất kỳ một cộng đồng người Hoa nào tại lục địa và trên thế giới. Họ đã tự nguyện thu nạp, chuyển hóa nhiều thành tố thú vị từ văn hóa Việt để làm nên bản sắc Việt gốc Hoa của mình.
Nhìn rộng hơn, ngoài Chợ Lớn, tại Việt Nam còn có nhiều nơi như Hội An, Phố Hiến, Tam Bạc… đã diễn ra quá trình dung nạp và dung hóa mạnh mẽ này. Qua thời gian, văn hóa Hoa chỉ còn là một thành tố, một nét bàng bạc, chấm phá trong tổng thể văn hóa Việt Nam, muốn tách bạch cũng rất khó.
Không phải người làm lịch sử, văn hóa nào cũng có thể biết người Ngái, Si-la, Pu-péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ-đu… phân bố ở những đâu, dù họ đang thuộc 54 dân tộc của chúng ta. Chính những chuyến du hành, kết nối văn hóa… sẽ giúp cho những khoảng cách, những hiểu lầm (nếu có) được vượt qua. Người Việt ngày nay làm những cuộc du hành, kể chuyện về 54 dân tộc là rất cần thiết, bởi chỉ có hiểu nhau cặn kẽ thì mới gần gũi hơn, thiết thân hơn. Và những mô hình như “Kể chuyện Chợ Lớn” là các gợi ý, các thực nghiệm ban đầu.
Vô Ưu
Tags