Đứa trẻ trong thân xác đàn ông
Trong cuộc đời sáng tác của mình, John Lennon không thiếu những sáng tác ca tụng phụ nữ, ca tụng tình yêu. Tình đầu chớm nở? Hãy nghe John thủ thỉ rằng “Em có muốn biết một điều bí mật? Hãy đừng nói với ai nhé, nào hãy đến gần đây để anh nói em biết rằng: Anh yêu em” (Do you want To know a Secret?). Lúc đó John 24 tuổi. Cả thế hệ choai choai ngày ấy thích John điên cuồng, mỗi câu hát như một lời tán tỉnh dễ thương, dễ ngấm, như nốc một hớp bia khoan khoái hưởng nhìn cuộc sống trôi qua. John “lớn” lên từng ngày và ca từ của anh cũng nặng hơn, nhất là khi nói về cuộc sống và những người đàn bà trong đời.
Cuộc sống của John vây quanh bởi những người đẹp nhưng chỉ có vài người đàn bà đủ sức để đưa anh thoát khỏi những bế tắc. Người mẹ, Julia; người dì, Mimi; và người vợ sau cùng, Yoko Ono. Đó là cả một thế giới cảm xúc đã nuôi nấng thành một John Lennon vĩ đại. Và trong một buổi chiều tháng 6/1980, khi đang ngồi trên thuyền câu thong dong tại Bermuda, ý tưởng về những người phụ nữ đã tạo nên hình hài mình, cá tính âm nhạc của mình, đã trở thành chất xúc tác cho John Lennon sáng tác nên Woman.
Woman, ca khúc tri ân nguòi phụ nữ đẹp nhất mà John đã viết được trong cuộc đời, là tổng hòa của tất cả những lời tán tỉnh bồng bột tuổi trẻ, cả những chiêm nghiệm trong lúc bế tắc và cả những lúc thảnh thơi khi đã trải qua mọi chán chường trong John. Nó là tổng hòa của những bản tình ca như Words of love, Girl cho đến Lealous guy, Dear Yoko… Lời bài hát chất chứa đầy tình yêu và cả sự biết ơn. John đã lấy câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa “Phụ nữ gánh vác phân nửa bầu trời” để làm dẫn đề cho bài hát (Dành tặng cho phân nửa bầu trời). Anh thì thầm rất nhẹ và sau đó tiếng guitar bắt đầu vào nhịp chậm rãi. Giọng John mở đầu không cần úp mở, Woman, như thể một lời tâm tình, một chia sẻ mà cả cuộc đời anh nhờ họ mà được như hôm nay.
Và sau đó, những ca từ tuôn ra như thể một bản “cáo trạng” cảm xúc, thú nhận rằng “anh (đại diện cho cánh đàn ông) chẳng bao giờ muốn làm em đau khổ. Nên hãy để anh nói điều này thêm một lần và nhiều lần nữa với em. Anh yêu em, yêu em. Bây giờ và mãi mãi”. Người đàn ông cũng chẳng cần phải che giấu đóng cho tròn vai kịch kiểu anh hùng cứu mỹ nhân. John hát rằng “Anh biết em hiểu có những đứa nhỏ trong thân xác đàn ông”, cũng yếu đuối và cũng cần một bờ vai.
John từng nói rằng câu hát đó là phần anh ưng nhất trong bài. Sự nhìn nhận “một đứa trẻ” trong thân xác của một gã đàn ông 40 tuổi không phải làm giảm đi sự hấp dẫn nam tính mà trái lại nó sẽ làm người phụ nữ cảm thấy được tôn vinh.
Trong lần trả lời báo Rolling Stone vào tháng 12/1980, John Lennon đề tặng ca khúc này cho Yoko Ono. Đó là một bức tranh tình yêu mà nhìn vào ai cũng thấy và hiểu ngay ra vấn đề. Nhưng ở một đoạn khác, khi nói về ý tưởng của bài hát, John chẳng giấu giếm rằng bài này hợp với tất cả mọi phụ nữ nói chung. Sự hy sinh của người phụ nữ đáng được tôn vinh, kể cả khi người phụ nữ ấy đã bỏ rơi John để đi xây dựng gia đình khác (mẹ ruột John đã để John sống với dì sau khi ly dị với cha anh. Và không lâu sau đó bà đã kết hôn với người khác. Sau này John đã từng có một bài hát về mẹ với câu hát nhức nhối: Mẹ ơi, mẹ bỏ con chứ không bao giờ con bỏ mẹ).
Tôn vinh nữ quyền
Woman mang sức nặng của một biểu tượng. Cho dù là viết tặng ai thì bài hát này, với thông điệp của nó, từ lúc ra đời đã trở thành tài sản chung của phong trào nữ quyền. Với thông điệp tôn vinh phụ nữ, thừa nhận vai trò của họ, đề cao những đóng góp của họ thì mặc nhiên John Lennon đã trở thành người ủng hộ cho phong trào nữ quyền mạnh mẽ nhất. Điều này rất khác với khi John Lennon còn ở trong Beatles, lúc ấy hình tượng của người nữ chỉ giới hạn trong tình yêu. Nhiều nhà phê bình, kể cả những nhà nghiên cứ xã hội đã thừa nhận John Lennon đã thay đổi cách nhìn của mình về phụ nữ ở nghĩa rộng hơn, thông qua lăng kính của một người đàn bà mà anh rất yêu thương, Yoko Ono.
John Lennon cũng thừa nhận điều này khi anh nói với những người bạn của mình rằng Woman phải là bản tình ca xưng tụng đôi lứa, cũng chẳng phải là câu chuyện giới tính, mà nó xưng tụng tình mẫu tử, về bất cứ người phụ nữ nào quan trọng trong cuộc đời. “Tôi chỉ nghĩ về đàn ông và phụ nữ, thiếu một trong hai thì mọi thứ trở thành vô nghĩa”, John nói.
John Lennon của thời điểm 1980 là một John Lennon đã được “tẩy trùng”. Những thời điểm sóng gió đã qua đi, nước Mỹ không còn xua đuổi anh, bóng ma Beatles không còn là nỗi thở dài tiếc nuối. John lúc này là một con người hoàn toàn khác và báo hiệu một con sóng lớn chuẩn bị nhô lên. Woman là một trong nhiều sáng tác sau đó sẽ trở thành bất hủ của John Lennon.
Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Jeff Rogers còn đẩy cao hơn tư tưởng John cài cắm trong bài này. Ông cho rằng Woman là một bài xưng tụng mẹ thiên nhiên và có ý nghĩa cứu rỗi Trái đất khỏi họa tuyệt chủng. Tuy vậy, mới chỉ có một mình Rogers nhận định như thế.
Bất hủ
Bài hát ra đời tháng 6/1980, khi vừa sáng tác xong, John đã ghi âm demo nhưng sau đó quyết định thay đổi bởi phần hòa âm mang nhiều nét gợi nhớ thời Beatles. Ngày 5/8/1980 anh vào phòng ghi âm bản chính thức và thu đi thu lại nhiều lần cho đến ngày 22/9/1980. Sau khi ghi âm xong, John và Yoko quyết định phát hành đĩa đơn từ bài hát này, trích từ album Double Fantasy.
Tuy vậy, John chẳng được chứng kiến đứa con của mình được đón nhận như thế nào bởi ngày 8/12/1980 anh bị bắn chết bên ngoài tòa nhà Dakota. Đêm hôm đó Yoko Ono lăn lộn trong cơn thần kinh. John nằm ngay cạnh trên chiếc xe đang chạy hết tốc lực vào Bệnh viện St.Luke’s-Roosevelt và lúc đó Yoko ước gì John như một đứa trẻ để bà có thể chăm bẵm và nâng niu. Nhưng đứa trẻ đó không còn thở nữa.
Woman, bài hát với ca từ nặng trĩu tình yêu và lòng tri ân, như John hát trong bài “nhân danh những vì sao” đã mau chóng đứng đầu các bảng xếp hạng. Nhưng chuyện đó chẳng còn quá quan trọng vì sau đó Woman đã trở thành bản tình ca ca tụng người phụ nữ đẹp nhất John đã viết cho đời.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags