Chờ ông Troussier biết 'đánh trận'

Thứ Hai, 11/03/2024 06:01 GMT+7

Google News

Chúng ta đã nói quá nhiều về các khía cạnh không mấy liên quan đến vai trò mà ông Troussier được thuê về đảm nhiệm, như là triết lý huấn luyện, hay khả năng hoạch định chiến lược cho chặng đường dài.

1. Nhưng hai trận gặp Indonesia sắp tới mới là lúc phải thẳng thắn nhìn vào mắt nhau và hỏi thẳng một câu: Ông có phải là một HLV phù hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào lúc này hay không, đặc biệt là với mục tiêu khó như giành vé dự World Cup?

Vào năm 2011, huyền thoại Johan Cruyff mỉa mai HLV Jose Mourinho thế này: "Mourinho là một HLV của các danh hiệu, không phải của bóng đá". Đáp lại, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha cũng không ngại chuyện tỏ ra cay nghiệt: "Tôi rất cảm kích (vì lời của Johan Cruyff). Thực tế thì tôi là HLV của các chiến quả. Tôi rất mong học được gì đó từ Cruyff, nhưng ông ta vẫn chưa dạy tôi cách làm sao mà thua đến 0-4 ở chung kết Champions League được".

Có lẽ Mourinho đã tỏ ra hơi cực đoan với nhận xét của Cruyff, vì đó hoàn toàn có thể là một lời khen thật lòng hơn là chê bai. Huyền thoại người Hà Lan đã nhận xét đúng về Mourinho, một HLV "thuần khiết", người có thể làm mọi cách vì chiến thắng, và danh hiệu.

Có hai khía cạnh trong một HLV: Người phát triển các triết lý, và người thực sự điều khiển các trận đấu. Cruyff là một trong những người tiêu biểu nhất của mẫu "phát triển triết lý": Ông đặt nền móng cho lối chơi kiểm soát vị trí, sau này được Pep Guardiola phát triển rất thành công.

Trên khía cạnh một "tướng đánh trận", dù vô cùng xuất sắc, ông không phải là người giỏi nhất, mà ví dụ Mourinho dẫn ra là một nỗi đau trong sự nghiệp cầm quân lẫy lừng của HLV người Hà Lan: Thất bại 0-4 ở chung kết Champions League năm 1994 trước AC Milan, vào thời điểm Barcelona do Cruyff dẫn dắt đang được xem như ở đỉnh cao phong độ, với triết lý đạt độ chín.

2. Chúng ta không thể phủ nhận rằng những HLV có tư tưởng là làn gió mới của mọi nền bóng đá: Họ khiến tất cả phải nhìn nhận kỹ hành trình, chứ không chỉ quan tâm đến kết quả. Họ thúc bách mọi thực thể của nền bóng đá phải chung tay giải quyết các vấn đề nội tại, để cùng gieo quả ngọt tới đỉnh tháp là đội tuyển quốc gia. Rồi những gì ông Troussier đã làm được ngày hôm nay sẽ có người tiếp nối, và đó cũng là một khía cạnh thành công của cá nhân ông.

Cà phê đầu tuần: Chờ ông Troussier biết “đánh trận” - Ảnh 1.

HLV Troussier đang chịu áp lực rất lớn vào thời điểm này

Nhưng đây là thời điểm không phù hợp để tiếp tục ca ngợi về mặt chiến lược hay triết lý. Đây là thời điểm mà chúng ta phải đánh giá nghiêm túc và đặt ra các chỉ số đo lường hiệu quả cụ thể, với công việc của ông Troussier.

Vì đơn giản là nếu không đánh bại được Indonesia, thì tuyển Việt Nam có khả năng rất cao mất cơ hội vào vòng loại thứ ba World Cup, nơi mà dưới thời Park Hang Seo, các cầu thủ áo đỏ đã từng đặt chân đến. Lúc này, nói về triết lý thì cũng chỉ để cho vui, nhất là với chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Và nói về triết lý chỉ làm dấy lên những cuộc tranh luận vô bổ, vì thế nào là một triết lý tốt hoàn toàn dựa trên các nhận định cảm tính. Nhưng đây là thời điểm phải đánh giá hiệu quả công việc của ông Troussier dựa trên thắng và thua, thành hay bại, đạt chỉ tiêu hay không.

3. Câu chuyện triết lý sẽ tiếp tục khiến chúng ta sa đà vào mổ xẻ những chuyện cơ bản là không thể thay đổi lúc này: Các cầu thủ trụ cột lăn ra chấn thương, tình trạng phong độ sa sút của một số cựu binh, hay đến chuyện lớn lao hơn như là đào tạo trẻ, rồi tổ chức V-League sao cho các tài năng nở rộ bền vững hơn.

Nhưng đây là những tiêu chí không phù hợp để đánh giá công việc của ông Troussier ngay lúc này. Ngay lúc này, ông Troussier phải chứng minh rằng mình là một "tướng đánh trận" có khả năng tối ưu các nguồn lực vào thời điểm mà đòi hỏi kết quả là tối cao. Tuyển Việt Nam và chính ông không có đường lùi vào lúc này. Thôi thì nền bóng đá đã kém, mới phải cậy nhờ đến những HLV giỏi đến đây dẫn dắt và xoay xở. Còn nếu hứng thú mổ xẻ triết lý, chúng ta có thể mời ông vào một chiếc ghế phù hợp để nói chuyện này hơn, như là giám đốc kỹ thuật chẳng hạn. Nhưng đáng tiếc là bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế giám đốc kỹ thuật, thì lại chẳng có ai buồn đánh giá họ bằng triết lý nữa. Thậm chí còn không buồn nhắc đến họ nữa.


Phạm An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›