Chống lại Mafia: Cuộc chiến không đơn độc của linh mục Don Ciotti

Thứ Ba, 22/03/2016 13:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -  Không có súng tự động trên tay, không áo giáp chống đạn, linh mục Luigi Ciotti, thường được người dân Italy gọi một cách trân trọng là Don Ciotti, lại có một cách khác để chống lại mafia, những đường dây tội phạm có tổ chức khét tiếng của Italy.

Sinh năm 1945 ở Pieve di Cadore (Veneto, phía Bắc Italy), được thụ phong linh mục năm 1972, nhưng Don Ciotti chưa bao giờ bằng lòng với công việc thường nhật ở một xứ đạo. Khi 20 tuổi, cùng bạn bè, ông thành lập Hiệp hội Abele (năm 1965) để giúp đỡ những người nghiện ma túy. Rất nhanh chóng sau đó, ông hiểu rằng, ngọn nguồn của những nỗi đau chính là các đường dây tội phạm có tổ chức đăng ăn sâu trong xã hội và thu lợi khổng lồ từ kinh doanh ma túy, là sự thụ động của giới chính trị gia đang nhắm mắt làm ngơ.

"Không có mặt trái nào của tấm huân chương, mafia và nạn tham nhũng chính là hai mặt của tấm huân chương", Don Ciotti chia sẻ về tình hình xã hội Italy lúc đó. Tính cho đến thời điểm đó, trong vòng 20 năm, đã có khoảng 3.500 người bị mafia giết hại.


Linh mục Luigi Ciotti, Chủ tịch Libera, tổ chức dân sự chống mafia

Sự thay đổi về nhận thức của Don Ciotti đã dẫn đến việc ra đời của Quỹ Libera vào năm 1995 tại Italy. Trên cương vị Chủ tịch của Libera, ông tập trung vào việc phát động các phong trào xã hội liên tục vận động Quốc hội thông qua các điều luật cứng rắn hơn nhằm vào các hoạt động của mafia, bên cạnh đó, tận dụng các nguồn lực để giúp đỡ gia đình, thân nhân các nạn nhân bị mafia giết hại hay những người bị mafia khống chế, đe dọa - "những người đang sống nhưng coi như đã chết".

Don Ciotti cho rằng tại Italy, mafia được nhìn nhận như một kiểu "tín ngưỡng". "Từ bốn trăm năm nay, chúng ta đã nói về mafia và chẳng có gì thay đổi cả. Dường như có điều gì đó cản trở chúng ta bước sang một trang mới trong cuộc đấu tranh với mafia; đó có lẽ là nút thắt của văn hóa và chính trị", ông nói.


Tuần hành chống mafia theo lời kêu gọi của tổ chức Libera

Năm 1996, với những nỗ lực phát động phong trào xã hội rộng khắp của mình và hơn một triệu chữ ký thu được, Don Ciotti đã thành công trong việc vận động Quốc hội thông qua điều luật về "tịch thu tài sản của mafia và sử dụng cho các mục đích xã hội". Theo đó, một tòa biệt thự của "Bố già" Toto Riina đã được trưng dụng thành trại Hiến binh. Trang trại oliu rộng lớn của ông trùm Matteo Messina Denaro ở đảo Sicily đã thuộc về một hợp tác xã nông nghiệp.

Ngay tại thủ đô Rome, văn phòng của Quỹ Libera được đặt tại một tòa nhà cũ thuộc về Michele Zaza, một ông trùm khác của thế giới ngầm. Trên thực tế, với doanh số "GDP ngầm" lên tới khoảng gần 200 tỷ euro/ năm, các tổn thất nêu trên với mafia là không đáng kể, tuy nhiên, việc sử dụng tài sản của mafia cho các mục đích xã hội là cú đòn mang tính biểu tượng, đánh trực diện vào tâm lý tự tôn cá nhân, uy tín quyền lực của những ông trùm.

Từ trong nhà tù, siêu trùm mafia Toto Riina đã từng gửi lời đe dọa "án tử" đến Don Ciotti. Trước những lời đe dọa như vậy, ông thường nói: "Đấu tranh chống lại mafia là vấn đề mang tính nhận thức, không mang tính cá nhân. Hơn 20 năm qua tôi đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát. Và công việc vẫn tiếp diễn. Tôi thường lo lắng cho những người làm việc bên cạnh mình hơn. Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé, nếu tôi thiệt mạng cũng sẽ không ảnh hưởng gì".


Học sinh sinh viên Ý xuống đường chống mafia

Cùng với đội bảo vệ của mình, ông vẫn miệt mài trên con đường đã chọn, không chỉ ở khắp Italy, mà cả ở Brussel, Strasbourg và nhiều nước châu Âu khác để những điều luật chống tội phạm có tổ chức trở thành điều luật của Liên minh châu Âu.

Kể từ năm 1995, theo sáng kiến của Quỹ Libera, ngày 21/3 đã trở thành Ngày Quốc gia tưởng niệm các nạn nhân của Mafia với hoạt động mít tinh, tuần hành thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Với rất nhiều người Italy, Libera và Don Ciotti là biểu tượng cho Điều Thiện, cho hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, dù về vật chất hay tinh thần, bên cạnh Don Ciotti, luôn có hàng triệu người Italy sát cánh. Khác với tên gọi của bộ phim truyền hình Italy vốn đã rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, Don Ciotti không "một mình" trong cuộc chiến chống lại mafia.

Quang Thanh (Phóng viên TTXVN tại Italy)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›