(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/9, phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kết thúc. Các thành viên Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu, lựa chọn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Cụ thể, vùng 1 tăng 400 nghìn; vùng 2 tăng 350 nghìn; vùng 3 tăng 300 nghìn và vùng 4 tăng 250 nghìn.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng tiếp tục thương lượng, phân tích tác động của chính sách lương đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kinh tế xã hội và công tác chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ ; thực trạng khó khăn của người lao động, của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Các thành viên của Hội đồng đều nhất trí cần tiếp tục tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu cho người lao động nhưng mặt khác cũng chú ý đến các điều kiện của doanh nghiệp. Hội đồng đã lựa chọn phương án bỏ phiếu với 14/15 thành viên. Kết quả cuối cùng, với tỷ lệ chiếm 92,4% số phiếu, Hội đồng đã đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%. Đây là mức đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua.
Ông Phạm Minh Huân nêu rõ: Năm 2016, ngoài việc tăng lương tối thiểu, các doanh nghiệp phải thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), vì vậy các doanh nghiệp phải bố trí việc sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí để điều chỉnh lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, xem xét tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng, báo cáo các cơ quan có liên quan để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Vấn đề tiền lương đã được thảo luận qua rất nhiều cuộc họp. Trong ảnh là hội thảo "Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập". Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mai Đức Chính nhận định: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 31/8 cho thấy các chỉ số đều có sự tăng trưởng tốt. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau khi có thương lượng đã đưa ra mức tăng lương tối thiểu bằng với năm 2015 là 14,3%, với mức từ 350 đến 400 nghìn.
Kết quả Hội đồng bỏ phiếu cho thấy chênh lệch ở mỗi vùng là 50 nghìn cũng bằng với mức tuyệt đối của 2015. Với mức tăng như vậy, người lao động có thể chia sẻ với doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao gấp 1,5 lần so với mức lương tối thiểu, ví dụ như ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… trả lương cho người lao động từ 5,5 đến 6 triệu/tháng.
Với mức lương đưa ra của vùng 1 hiện nay là 3,5 triệu, về cơ bản các doanh nghiệp không chịu nhiều tác động. Chủ yếu là với mức tăng này, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, ví dụ trước đây chỉ đóng khoảng 3,1 triệu, nay sẽ phải đóng 3,5-3,6 triệu, sẽ tăng phần chi phí.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thể hiện sự chưa thỏa mãn với việc đề xuất tăng mức lương tối thiểu năm 2016 mặc dù Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án cuối cùng.
Ông Phòng phân tích: Hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, mức tăng lương tối thiểu này thực tế đã vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp. Mức tăng lương tối thiểu này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự phấn đấu nhiều hơn nữa để tăng cường khả năng hội nhập cũng như đáp ứng được khả năng chi trả lương cho người lao động.
Trong thời gian tới, VCCI sẽ cùng các cơ quan chức năng tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để kiến nghị việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội cũng như các văn bản liên quan nhằm giảm nhẹ, cũng như giãn các lộ trình để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. VCCI cũng đề nghị khi nhận được các đề xuất của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra các quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng chi trả của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của việc tăng lương tối thiểu.
Ông Phòng cho biết: Mức tăng trên, dưới 10% đã là quá sức chi trả của doanh nghiệp, bởi qua khảo sát thực tế trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước (16 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có 14 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài) đa phần kiến nghị mức đề xuất tăng lương tối thiểu 5-6%, 6-7%, 9-10%. Trên căn cứ đó và qua khảo sát thực tiễn, VCCI có đề xuất mức 10,7%.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là dựa trên cơ chế đồng thuận để kiến nghị lên Chính phủ để có quyết sách kịp thời, vì vậy, dù chưa thỏa mãn nhưng VCCI chấp nhận kết quả này…
Phúc Hằng (TTXVN)
Tags