Christopher Lee - Phù thủy Saruman trong Chúa Nhẫn: Chàng Hiệp sỹ của thế kỷ

Thứ Tư, 17/06/2015 08:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có quá nhiều câu chuyện để kể về Christopher Lee. Người yêu điện ảnh nhớ tới ông qua khối lượng phim khổng lồ đã đi vào kỷ lục Guinness. Người mê nhạc ngưỡng mộ “chàng trai” hơn 90 tuổi vẫn gào thét nhạc metal. Nhiều đứa trẻ ở Châu Phi nợ ông một mạng sống và lịch sử gọi tên ông như một chiến sỹ quả cảm.

Sẽ không ngoa khi nói Christopher Lee là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, về nghị lực sống, cống hiến và đam mê hết mình.

Hậu duệ của hoàng đế La Mã

Christopher Lee sinh ngày 27/6/1922 tại London, Anh. Cha ông là trung tá Geoffrey Trollope Lee và mẹ là Estelle Marie, vốn có xuất thân dòng dõi Hoàng gia. Theo phả hệ bên mẹ, Christopher là hậu duệ của Charlemagne, Hoàng đế La Mã.

Một người họ hàng rất nổi tiếng khác của ông là tướng Robert Lee, chỉ huy quân đội Liên minh miền bắc Virginia trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông cũng từng nhận được lời chúc phúc hôn lễ từ chính Vua Thụy Điển.


Christopher Lee trong lần được phong tước Hiệp sỹ

Cha mẹ của Lee ly thân khi ông lên 4 và chính thức ly dị 2 năm sau đó. Một thời gian sau, mẹ ông đi bước nữa với Harcourt Rose, chủ nhà băng và là chú của Ian Fleming (tác giả bộ tiểu thuyết James Bond).

Trong thời gian đi học, ông thường tham gia các vở kịch ở trường. Ngoài ra, ngay từ lúc này, ông đã nổi tiếng là tay kiếm cự phách. Việc luyện tập từ trẻ đã giúp ông sau này trở thành tay kiếm vô địch thế giới và có những màn đầu kiếm ngoạn mục trên màn ảnh.

Khi Thế chiến thứ II bùng nổ, Lee tình nguyện chiến đấu cho quân đội Phần Lan trong Chiến tranh mùa đông năm 1939. Tuy nhiên, Lee và các tình nguyện viên Anh không thật sự tham chiến. Họ được gửi về nhà 2 tuần sau đó.

Lee tiếp tục tình nguyện tham gia Không quân Hoàng gia, nhưng trước lần bay thử đầu tiên, ông bị nhức đầu, hoa mắt. Lee chuyển qua lực lượng tình báo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn, được chính phủ Anh, Ba Lan, Tiệp Khắc và Nam Tư khen thưởng vì tinh thần chiến đấu dũng cảm.

Tuy lập được nhiều chiến công, chiến tranh cũng để lại những vết sẹo sâu sắc trong tâm hồn ông. “Tôi đã thấy những điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm với nhau: những cuộc tra tấn, cắt xẻo, những người bị thổi bay thành từng mảnh vì trúng bom” – Lee đau đớn nhớ lại.

Được biết sau này khi quay cảnh Saruman - nhân vật Lee thủ diễn trong phim Chúa Nhẫn - bị giết, đạo diễn Peter Jackson đã ra sức mô tả cho ông hiểu một người bị đâm từ phía sau sẽ kêu lên thế nào. Lúc ấy, Lee nghiêm trang trả lời rằng ông đã nhìn thấy nhiều người bị đâm từ phía sau nên biết chính xác họ kêu như thế nào. 


Lee với tạo hình phù thủy Saruman trong Chúa Nhẫn

Một Hiệp sỹ với thành tích đáng nể

Quay trở lại London vào năm 1946, khi 24 tuổi, Lee được một người họ hàng cho thử làm nghề diễn viên. Lee thích thú với ý tưởng đó nên đã dấn thân vào hoạt động làm phim. Phải nói thêm rằng, Lee cao tới gần 2 mét. Điều này ban đầu có cản trở con đường trở thành diễn viên của ông.

Tuy nhiên, nhờ đam mê, khả năng diễn xuất, khả năng giao tiếp tới 6 ngôn ngữ, giỏi lăn xả chịu đựng (do từng là người lính), ông bắt đầu nhận được các vai diễn đặc thù. Sự nghiệp của Lee thực sự khởi sắc với vai diễn Dracula (1958). Cũng từ đó, ông gắn liền với những vai diễn kinh dị và phản diện; điển hình trong chuỗi phim kinh dị của Hammer, sát thủ trong The Three Musketeers (Ba chàng ngự lâm), nhân vật kỳ quái trong The Man With Golden Gun (Người đàn ông với cây súng vàng), nhà khoa học điên trong Gremlins II, phù thủ ác Saruman trong Chúa Nhẫn.

Dù chuyên đóng các vai kinh dị, phản diện nhưng bản thân Lee là người giàu nhân ái. Ông đã nhiều năm sát cánh cùng UNICEF để cứu giúp trẻ em ở Tây và Trung Phi. “Trẻ em là tương lai của chúng ta và thật hổ thẹn làm sao nếu vẫn có những trẻ em đang chết vì nghèo túng và đói ăn.” Lee từng nói.

Với gần 70 năm sự nghiệp, cùng hơn 250 bộ phim, Lee đã đi vào kỷ lục Guinness, được trao giải Thành tựu trọn đời của Viện Hàn lâm điện ảnh và truyền hình Anh. Năm 2009, với những đóng góp trong hoạt động nghệ thuật cũng như công tác từ thiện, ông được phong tước Hiệp sỹ.

Người truyền cảm hứng

Bà cố của Christopher Lee là Marie Carandini, một nghệ sỹ opera nổi tiếng. Bản thân Lee cũng thừa hưởng tài năng của nhà ngoại. Vào những năm 1970, khi đã ngoài ngũ tuần, trong một lần nghe Black Sabbath, ông trở nên say mê nhạc heavy metal.

Trong đợt ra mắt album năm 2013, Lee nói với Iommi, tay guitar kiệt xuất của Black Sabbath mà ông rất trân trọng, rằng: ”Cậu là cha đẻ của dòng metal.” Đáp lại, Iommi nói với Lee: “Nhưng ông mới chính là người khơi dậy nó. Thật đấy, bởi vì chúng tôi thường xem Dracula và những bộ phim kinh dị mà ông đóng. Âm nhạc của chúng tôi chịu ảnh hưởng từ những bộ phim đó.”

88 tuổi, Lee phát hành album metal đầu tiên của mình, trở thành nghệ sĩ lớn tuổi nhất có mặt trong BXH Billboard. Ông được tạp chí Metal Hammer trao giải “Tinh thần Metal”. Năm ngoái, ở tuổi 92, ông tiếp tục ra mắt các sản phẩm metal nặng ký!

Có thể nói, Christopher Lee đã có một cuộc đời rất đáng ngưỡng mộ. Đó là một cuộc đời đầy đam mê và trách nhiệm, từ khi còn rất trẻ tới lúc trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi vào rạng sáng 7/6/2015, khi mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 93 được ít ngày.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›