Thời gian gần đây, đã có không ít những sự việc làm nóng lên cuộc tranh luận về vấn đề chu cấp nuôi con hậu ly hôn. Đơn cử gần đây nhất là cuộc ly hôn giữa nữ diễn viên Diệp Lâm Anh và chồng cũ Đức Phạm xoay quanh vấn đề tranh giành quyền nuôi con, hay câu chuyện nam ca sĩ Jack ngừng chu cấp nuôi dưỡng con gái sau ly hôn.
Quả thực, để đi đến quyết định ly hôn là cả một quá trình dài nhưng điều này chưa hẳn là dấu chấm hết. Làm thế nào để vẹn toàn được đôi bên mà con cái của mình vẫn phát triển như những đứa trẻ khác là điều mà các cặp vợ chồng hậu ly hôn phải đau đáu suy nghĩ.
Nuôi một đứa trẻ không phải là chuyện dễ dàng
Là mẹ của hai đứa trẻ, chị Ngô Hạ Uyển (Huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ mỗi tháng phải dành ít nhất từ 15 - 30 triệu để nuôi con, khoản tiền này bao gồm chi phí học hành, mua sắm, ăn uống. Chị Uyển hiểu rằng nuôi một đứa trẻ là rất tốn kém vì tâm lý của cha mẹ là không muốn con thua kém bạn bè.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Lương Mai Anh (TP Biên Hoà, Đồng Nai) bày tỏ mỗi tháng phải chi khoảng 3 - 4 triệu tiền ăn cho con, tiền học hành mất khoảng tầm 2 triệu. Đây cũng là một con số hợp lý nằm trong khoản tiền lương kiếm được để vợ chồng chị nuôi con.
“Nuôi một đứa trẻ rất cực khổ, đủ thứ chi phí nhất là trong thời điểm vật giá leo thang như hiện tại. Có rất nhiều khoản tiền phải chi đến như ăn uống, học hành, đấy là chưa kể đến ốm đau”, chị Nguyễn Thị Thanh Bình (Quận 12, TP.HCM) đau đầu khi nghĩ về những khoản phí phải nuôi con.
San sẻ trách nhiệm
Nuôi con cực khổ đã đành, với những gia đình ly hôn sẽ là bài toán nan giải. Trách nhiệm nuôi con là công bằng như nhau, cha mẹ nào cũng nên làm tròn bổn phận của mình. Nuôi một đứa trẻ phải có sự giúp sức của cả cha lẫn mẹ chứ không phải đổ dồn trách nhiệm về một phía.
Anh Nguyễn T.M. (quận 3, TP.HCM) cho rằng, kể cả người mẹ dư giả về tài chính thì người cha vẫn cần chu cấp nuôi con: “Mình nghĩ rằng người chồng vẫn cần phải chu cấp vì thực ra đó không phải vấn đề về tiền bạc mà là vấn đề về trách nhiệm. Mặc dù người vợ có dư giả về kinh tế cũng là sự cố gắng của người ta thôi chứ không liên quan gì đến trách nhiệm của người chồng.”
“Hai vợ chồng cùng chung tay nuôi con dẫu sao cũng tốt hơn là một người”, chị Thanh Bình nói.
Dù là trách nhiệm nhưng vẫn có nhiều trường hợp từ chối thực hiện hay đưa ra các lý do bao biện như sợ vợ tiêu hết tiền chu cấp nên sẽ không đưa trực tiếp cho vợ mà sau này con lớn sẽ đưa sau.
Với những trường hợp này đa số mọi người đều bày tỏ thái độ phê phán. Anh T.M. cho rằng đó chỉ là một cái cớ để nói thôi, còn để kiểm tra người vợ có chi tiêu hay không thì còn có rất nhiều cách. Không nhất thiết là phải từ chối chu cấp như vậy
Mặt khác, trong những trường hợp vợ cũ có người mới thì trách nhiệm này vẫn cần được sẻ chia. Chị Mai Anh bày tỏ rằng nếu đã là một người chồng, người bố có trách nhiệm với con mình thì sẽ không để tâm đến chuyện này. “Đối phương đi bước nữa thì đó là hạnh phúc riêng tư của người kia. Người bố vẫn luôn còn trách nhiệm với con cái đến khi trưởng thành”.
Mức chu cấp nuôi con lý tưởng
Mức phí chu cấp để nuôi con sau khi ly hôn thường được toà án xác định căn cứ vào chứng từ, hóa đơn có liên quan các chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ở các thành phố lớn, ngoài những nhu cầu thiết yếu về đời sống như ăn uống, quần áo, học tập, sách vở…, những sinh hoạt vui chơi, giải trí theo từng lứa tuổi của trẻ nhỏ thường có chi phí rất cao.
“Theo mình điều này còn phụ thuộc vào điều kiện sống khác nhau giữa thành phố và nông thôn. Ở nông thôn có thể chu cấp tầm 5 - 7 triệu/tháng còn ở trên thành phố sẽ cao hơn rơi vào tầm 10 - 15 triệu/tháng”, anh Nguyễn Văn Chính (TP Vinh, Nghệ An) nói.
Trong khi đó, chị Mai Anh cho rằng không có một con số nào là cụ thể. Chị không muốn con bị thua thiệt với các bạn cùng trang lứa nên luôn cố gắng cân bằng các khoản chi, nhưng cũng không chi tiêu quá đắt đỏ cho việc nuôi con.
Clip: Nỗi niềm chu cấp nuôi con
Tags