Rạng sáng ngày 17/10/2023, vào cuối giờ Sửu, lúc 2h49, bậc thầy âm nhạc Việt Nam - thầy Chu Minh - đã rời xa cõi tạm ở tuổi 93. Thu một ngày Hà Nội như se lạnh hơn.
1. Thầy Chu Minh tên khai sinh là Triệu Đạt Hiền, ông cất tiếng khóc chào đời ngày 5/1/1931 (nhằm ngày 17/1 năm Canh Ngọ, trước Tết Nguyên Đán Tân Mùi 1 tháng rưỡi) tại tư gia số 2 phố Cột Đồng Hồ, gần bờ sông Cái lộng gió.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, ngoài việc đi học ở trường gần nhà, Chu Minh đã sớm đến với âm nhạc qua cây vĩ cầm nhỏ nhắn. Ông cũng sớm đến với cách mạng ở tuổi 15 niên thiếu, khi "Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời".
Toàn quốc kháng chiến, cái tên Chu Minh được các bạn cùng Đội Võ trang tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung ương đặt cho, thay thế cái tên Triệu Đạt Hiền từ lúc ấy, khi lên ở chiến khu Việt Bắc. Những chuyến phiêu lưu chuyển thư vào địch hậu ở Hà Nội, Hải Phòng… đã cho Chu Minh một cảm quan mới mẻ, nhất là sau ngày sinh nhật Bác được vinh dự ngồi bên Bác trong buổi lễ. Cảm quan ấy đã đưa Chu Minh đến những sáng tác ca khúc đầu tay năm tròn đôi mươi. Nhờ thế, ông đã được cử sang Trung Hoa học âm nhạc tại Trung Nam nghệ thuật Học viện và trở về thì tham gia thành lập Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương cùng các đàn anh văn nghệ như Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đặng Đình Hưng…
Nhờ hoạt động âm nhạc với những sáng tác mới như Hoa sen, Ta có cụ Hồ… nên sau ngày hòa bình ở miền Bắc, vào tuổi "tam thập nhi lập", Chu Minh lại tiếp tục được cử đi học âm nhạc tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Chính những năm tháng tu nghiệp miệt mài này, ông đã hoàn thành giao hưởng 3 chương mang tên Miền Nam tuyến đầu, đi vào cõi bất tử cùng các bản giao hưởng nổi tiếng của các nhạc sĩ Việt Nam.
Trở về nước, ông chính thức trở thành thầy chủ nhiệm Khoa Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cho đến khi về hưu. Ngay từ khi làm thầy khóa đầu tiên, ông đã đào tạo ra lứa nhạc sĩ đầu tiên trong những năm tháng chống Mỹ như Phó Đức Phương, Đức Minh…
2. Tận tụy với công việc làm thầy, nhưng Chu Minh vẫn dành rất nhiều đam mê cho hoạt động sáng tạo. Ông nhiều lần cùng các nhạc sĩ đồng trang lứa dấn thân vào tuyến đường Trường Sơn huyền thoại để viết ra những bản ngợi ca sâu sắc như Đường đi trăm nẻo, Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công… Nhưng tài năng Chu Minh với tầm nhìn rộng mở chỉ thực sự được bộc lộ khi ông viết ca khúc lúc Bác vừa qua đời. Đó là Người là niềm tin tất thắng và sau đó là tráng ca Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (phỏng thơ Hoàng Trung Thông). Hai nhạc phẩm này đã đóng đinh tên tuổi ông vào lịch sử âm nhạc Việt Nam cùng giao hưởng Miền Nam tuyến đầu.
Cứ thế, Chu Minh vừa làm thầy, vừa liên tục sáng tạo âm nhạc. Nhiều học sinh của thầy Chu Minh đã trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Minh Đạo… Ông thật xứng đáng là thầy Chu Minh với Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học - nghệ thuật. Một người suốt đời dâng hiến không mệt mỏi cho nền âm nhạc nước nhà.
Dung dị và khiêm nhường là bản chất đáng quý ở một bậc thầy như ông. Bởi thế, trong suốt những năm tháng nhiều thử thách đến hôm nay, ông luôn được giới văn nghệ yêu mến và kính trọng bằng tất cả lòng chân thành. Đối với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông luôn là chỗ dựa vững chắc về chuyên môn để phát hiện, nâng đỡ những tài năng âm nhạc của nhiều thế hệ.
Nhưng "nghệ thuật dài lâu, đời người hữu hạn", cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tan. Cuộc vui đời thầy Chu Minh kéo dài đến tuổi này đã là thụ hưởng biết bao đại phúc, đại lộc của trời đất mà ông xứng đáng được trao nhận. Chu Minh - một cuộc đời vui sống không toan tính. Chu Minh - một dâng hiến trọn vẹn cho nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và thế giới. Xin vĩnh biệt thầy Chu Minh.
Tags