Chủ tịch Ban giám khảo LHP Berlin Darren Aronofsky: Người không xa lạ với tranh cãi

Thứ Tư, 11/02/2015 06:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với nhà làm phim Mỹ Darren Aronofsky, tác giả của những bộ phim gây tiếng vang như Pi, The Fountain, Thiên nga đen (Black Swan), ý nghĩa của cuộc sống là chủ đề yêu thích trong các bộ phim của ông. Tại LHP Quốc tế Berlin năm nay, ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ban giám khảo.

Ngồi ghế Chủ tịch Ban giám khảo cũng có nghĩa Darren Aronofsky phải trả lời câu hỏi khó nhất là phim nào xứng đáng đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm nay.

Đã từng làm từ phim độc lập tới phim bom tấn

Có lẽ Aronofsky chỉ đạt được sự đồng thuận với một số ít thành viên trong ban giám khảo. Có lẽ ông sẽ đối mặt với nhiều tranh cãi khi bầu chọn các phim xứng đáng. Tuy nhiên đây không phải điều quá xa lạ với Aronofsky.

Ông từng gặp áp lực và tranh cãi lớn hơn khi làm "quả bom tấn" Noah. Bộ phim được dàn dựng với mức kinh phí rất lớn, tới 130 triệu USD. Đây cũng là dự án mà Aronofsky dồn nhiều công sức xây dựng nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình lại không đánh giá cao Noah. Họ nói rằng Aronofsky đã phung phí tài năng của mình vào một bộ phim chẳng có điểm gì đặc biệt. Tuy nhiên có vẻ như Aronofsky chẳng bận tâm lắm với những lời chê bai ấy.


Nhà làm phim Mỹ Darren Aronofsky, Chủ tịch ban giám khảo LHP Berlin năm nay

Aronofsky là người đã đi tới thành công từ xuất phát điểm thấp. Ông khởi dựng sự nghiệp với một dự án nhỏ hơn rất nhiều so với Noah. Bộ phim đầu tay của ông là Pi (1998), được làm với số vốn vỏn vẹn 60.000 USD, cũng gặp đầy những khó khăn. Đây là một bộ phim đen trắng, mang tính thử nghiệm cao, với một dàn diễn viên vô danh. Phim xoay quanh một nhà toán học bị mắc chứng hoang tưởng.

Sau Pi, năm 2000, Aronofsky đạo diễn bộ phim chính kịch tâm lý Requiem For A Dream đã gây nhiều tiếng vang. Dự án điện ảnh tiếp theo là The Fountain, đề cập đến vòng tròn luân hồi và nguồn gốc sự sống. Khi được trình chiếu tại LHP Venice hồi năm 2006, phim đã bị giới phê bình phê phán. Tuy nhiên khán giả lại nhiệt tình đón nhận tác phẩm này.

2 năm sau đó, Aronofsky tái xuất với The Wrestler, tác phẩm điện ảnh đã đem về cho ông giải Sư tử vàng tại LHP Venice. Bộ phim kế tiếp là Black Swan (Thiên nga đen), gặt hái thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại và đem đến cho Aronofsky đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất.

Hiện nay, Aronofsky đang chuẩn bị đưa bộ tiểu thuyết MaddAddam của nữ văn sĩ Margaret Atwood lên mành ảnh nhỏ. Bộ tiểu thuyết gồm 3 cuốn sách này mô tả một thế giới trong tương lai, bị đe dọa bởi bệnh dịch và thảm họa thiên nhiên. Đề tài trong bộ truyện này dường như phù hợp với tài năng làm phim của Aronofsky.

Háo hức chờ đón phim hay ở LHP Berlin

Trong thời gian diễn ra LHP Quốc tế Berlin, bộ đĩa DVD đặc biệt gồm các bộ phim đầu tay của Aronofsky, gồm Pi, The Fountain (2006) và The Wrestler (2008) đã được phát hành ở Đức. Đây là dịp tốt để công chúng nhìn lại sự nghiệp của ông.

Khi mời Aronofsky làm Chủ tịch Ban giám khảo LHP Berlin năm nay, ông Dieter Kosslick, Giám đốc LHP Berlin, đã thể hiện sự kỳ vọng lớn. Ông nói rằng đã gửi gắm niềm tin vào một nhà làm phim Mỹ "không chỉ biết cách làm phim bom tấn Hollywood mà còn cả các phim độc lập với kinh phí nhỏ". “Aronofsky đã chứng tỏ mình là một trong những nhà làm phim xuất chúng nhất của nền điện ảnh đương đại” – Kosslick nói.

Sau quá trình quay phim Noah vô cùng vất vả, cộng thêm hoạt động quảng bá đầy mệt mỏi sau đó, việc đến với LHP Quốc tế Berlin giống như một kỳ nghỉ đối với Aronofsky. Vai trò chủ tịch ban giám khảo không phải là một trải nghiệm hoàn toàn mới với ông. Cách đây 4 năm, Aronofsky đã làm Chủ tịch Ban giám khảo LHP Venice.

“Tại LHP Quốc tế Berlin, điện ảnh luôn thú vị và hấp dẫn. Tôi háo hức được xem những tác phẩm mới nhất, của những tài năng điện ảnh giỏi nhất, ở một trong những thành phố lớn nhất hành tinh” – Aronofsky bày tỏ.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›