(Thethaovanhoa.vn) - 9h30 sáng hôm qua 10/3, Tòa án Munich bắt đầu phiên xét xử dự kiến kéo dài 4 ngày về vụ án trốn thuế gây chấn động dư luận Đức, liên quan tới Chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich.
Bước vào cánh cửa trong bộ vest lịch lãm với sự hộ tống của 3 nhân viên cảnh sát, Uli Hoeness chuẩn bị cho phiên đối chất sẽ quyết định số phận của mình. Theo nguồn tin từ nhiều tờ báo ở Đức, Hoeness bị các Công tố viên cáo buộc đã không chi trả khoản thuế 3,5 triệu euro- con số khiến ông có nguy cơ bị bỏ tù trong 10 năm.
Tự nguyện hay không tự nguyện?
Chuyện bắt đầu từ năm 2001, thời điểm cựu giám đốc Robert Louis-Dreyfus của Adidas từ mối quan hệ cá nhân đã mở cho Hoeness một tài khoản bí mật trị giá khoảng hơn 3 triệu euro tại ngân hàng Vontobel (Thụy Sĩ) để chủ tịch Bayern có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhờ đầu tư vào các mã blue-chip và sự ăn nên làm ra của những công ty này đem về lợi nhuận cho Hoeness. Bản thân Hoeness cũng thừa nhận rằng thời điểm đó ông lao vào chứng khoán như “con thiêu thân” và không kể ngày đêm cho tới khi dừng lại vì thị trường suy thoái. Khoản tiền đó nằm nguyên ở Vontobel cho tới đầu năm 2013.
Luật pháp Đức có tình tiết giảm tội cho tội danh trốn thuế nếu họ tự nguyện nộp tờ khai thuế trước thời điểm cơ quan chức năng tiến hành điều tra, nộp bổ sung khoản nợ thuế kèm 6% lãi suất. Hoeness cũng luôn nhấn mạnh từ “tự nguyện” trong những lần phát biểu trước báo giới bởi đây là khe cửa duy nhất để ông tránh cảnh tù tội. Nhưng theo tiết lộ của tờ Focus thì trong hồ sơ chuyển tòa, các công tố viên cáo buộc việc Hoeness đi khai báo không phải dựa trên tinh thần tự nguyện bởi một ngày trước đó, vị Chủ tịch 62 tuổi được cho là đã nhận được thông báo từ ngân hàng mà mình đang gửi tiền về việc phóng viên tạp chí Stern đang cố gắng điều tra về tài khoản bí mật của ông.
Sẽ không có phép màu?
Báo chí Đức cũng bác bỏ những nguồn tin từ dư luận, rằng Hoeness sẽ thoát tội bởi luật thuế thường nương tay với những người giàu có. Suy nghĩ này xuất phát từ vụ xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty bưu chính Đức (Deutsche Post), ông Klaus Zumwinkel cách đây gần 7 năm. Ông Klaus Zumwinkel bị cáo buộc trốn hàng triệu euro tiền thuế nhưng chỉ bị phạt 1 triệu euro và hưởng án treo.
Nhưng vụ xét xử Hoeness xảy ra vào thời điểm hoàn toàn khác. Năm 2010, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức bị chỉ trích là quá lỏng lẻo trong việc điều tra phát hiện tội phạm trốn thuế. Thế nên, từ thời điểm đó, Đức đã cho thấy quyết tâm trong chiến dịch đấu tranh chống nạn trốn thuế. Nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh, Đức đã nhiều lần họp bàn với bên Thụy Sĩ và đến tháng 4, hai bên đạt thỏa thuận sơ bộ về hiệp định thuế kép, khoanh vùng 33.000 tài khoản ngân hàng của người Đức được lập tại Thụy Sĩ.
Các công tố viên muốn vụ xét xử Hoeness là trọng điểm để hướng tới những thay đổi mang tính bước ngoặt. Thế nên, dù Hoeness có công lớn với thể thao Đức, có nhiều đóng góp cho xã hội, chưa từng dính tiền án tiền sự, nhưng khả năng ông được ưu ái như Klaus Zumwinkel xưa kia rất khó xảy ra.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Tags