"Ăn nước" và "uống cơm"? Chắc mọi người nói tiếng Việt (với ngữ năng bình thường) sẽ không chấp nhận hai kết hợp phi lý này.
Cũng phải nói thêm, đây không phải là lối văn vẻ, sử dụng những kết hợp "phá cách" gây ấn tượng như các nhà văn, nhà thơ vẫn thường dùng, nhằm tạo nên một sáng tạo thú vị. Chẳng hạn "Anh ăn mãi một niềm tin đã cũ" (Nguyễn Ngọc Trai), hoặc "Áp mặt xà lim uống nắng lỗ thông hơi" (Hoàng Nhuận Cầm).
"Ăn" và "uống" là hai từ cơ bản liên quan tới chuyện ẩm thực (ẩm thực 飲食: uống và ăn). "Ăn" là một động từ quen thuộc, chỉ hành động "tự cho vào cơ thể thức nuôi sống", như "ăn cơm", "ăn bánh", "ăn thịt gà", "ăn hạt lạc"… Và dĩ nhiên, khi ăn bất cứ thứ gì thường người ta phải thực hiện các động tác cắn, xé, nhai và nuốt… Chỉ có uống, là hành động "đưa chất lỏng vào miệng rồi nuốt" là không có nhai, xé gì cả…
Lẽ thường là thế, "cơm ăn nước uống" là điều đã quá hiển nhiên. Vậy nên ta nghe ai đó nói "ăn nước", "uống cơm" là ta thấy ngay đó là điều bất bình thường.
Trước khi "giải mã" cái bất bình thường trên, xin được đôi lời nói tới một xu hướng dưỡng sinh đang được nhiều người trên thế giới (trong đó có Việt Nam) quan tâm và hưởng ứng: Phương pháp thực dưỡng Ohsawa.
Thực dưỡng Ohsawa, hoặc còn gọi là ăn chay thực dưỡng. Lối ăn uống này do một bác sĩ người Nhật Bản, tên là Sagen Ishizuk (1850-1910) khởi xướng. Nhưng nó chỉ thực sự trở thành một phương pháp dưỡng sinh khi triết gia người Nhật Georges Ohsawa (1893-1966) tiếp thu, phát triển, hoàn thiện và quảng bá rộng rãi. Phương pháp ẩm thực này dựa trên nguyên lý cân bằng âm dương trong cuộc sống (mà ăn uống là một vấn đề trung tâm của nguyên lý này).
Thực dưỡng Ohsawa khuyến khích mọi người ăn theo công thức: 50% ngũ cốc (gồm yến mạch, gạo lứt, hạt kê, ngô, lạc, vừng (mè)…), 25-30% các loại rau, củ, đậu…, 10-15% các thực phẩm chứa protein có nguồn gốc thực vật. Ohsawa cũng khuyến khích dùng thực phẩm theo mùa. Mùa nào (mùa nóng, mùa lạnh) dùng thực phẩm thu hoạch từ chính mùa ấy. Thực phẩm cũng từ các sản phẩm trồng cấy từ không gian địa lý gần nơi người sử dụng đang sống (tốt nhất là thực phẩm thu hoạch trong phạm vi bán kính 50km). Như vậy, ngũ cốc, rau quả trồng ở nơi quá xa, khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, mùa vụ… không phải là thực phẩm lựa chọn lý tưởng cho phương pháp này.
Cũng theo Ohsawa, người ta chỉ uống khi thấy khát. Không uống nước ở nhiệt độ quá nóng (nước sôi), hoặc quá lạnh (nước đá). Khi khát (dù khát đến mấy) cũng không được bê cả cốc nốc ừng ực, mà phải bình tĩnh, nhấp từ từ từng ngụm nhỏ. Chậm đến mức như khi ăn cơm (hoặc các loại thức ăn khô và cứng) vậy. "Ăn nước" chính là dùng theo ý đó.
Còn khi ăn (thí dụ như cơm gạo lứt với muối vừng/mè) thì cũng phải tịnh tâm, ngồi đúng tư thế, nhai đi nhai lại nhiều lần cho miếng cơm "nhào" cùng muối vừng, hòa với nước bọt tiết ra thành một hỗn hợp tựa cháo loãng (tới mức như nước vậy). Lúc đó người ăn mới nhẩn nha "nuốt từng ngụm" xuống dạ dày. "Uống cơm" chính là cách nói mang hàm nghĩa này.
Phương pháp "ăn dưỡng sinh" này rõ ràng không phù hợp với những người ăn nhanh "fast food", "mì ăn liền". Đàn ông "nam thực như hổ" (ăn nhiều, ăn nhanh như hổ) dĩ nhiên là không được rồi. Ngay cả với chị em "nữ thực như miu" (ăn ít, ăn chậm như mèo) cũng phải điều chỉnh để cho cách ăn uống của mình phù hợp với tinh thần thực dưỡng Ohsawa. Nếu đi theo phương pháp này.
Bát cơm gạo lứt em nhai
Anh coi đá bóng hết hai hiệp liền
Tags