Đây là một câu hỏi chính danh (câu mà người hỏi đang cần tìm một thông tin thiếu hụt mà người hỏi nghĩ rằng người nghe sẽ đáp ứng) chứ không phải là câu hỏi tu từ (hỏi để tạo ra một nội dung ngữ nghĩa khác).
Câu hỏi "Anh có diêm không?" có mấy tiền giả định (TGĐ): Hiện thực phải được thỏa mãn với người nói và người nghe thì phát ngôn xuất hiện trong giao tiếp mới có hiệu lực. VD: Câu "Tàu dừng ở ga Diêu Trì" có TGĐ là "Trước đó, tàu đang chạy về phía ga Diêu Trì", hoặc câu "Anh Sửu trình báo với công an việc mất ô tô đêm qua" có TGĐ "Nhà anh Sửu có xe ô tô".
Các TGĐ đó là: 1. Đang có ít nhất 2 người tham gia giao tiếp; 2. Người hỏi không có diêm (vật dụng dùng để lấy lửa). Câu này có dạng thức là một câu hỏi lựa chọn (trả lời có hoặc không) nhưng đằng sau đó là một vấn đề liên quan tới ngữ dụng. (Cách thức người nói sử dụng một phát ngôn trong một tình huống giao tiếp cụ thể để thực hiện ý đồ nào đó của mình).
Từ câu hỏi trên, ta lại tiếp tục có suy luận: Người hỏi có nhu cầu cần lửa. Có thể là để hút thuốc, hoặc có thể là để nhóm bếp nấu cơm, hoặc có thể là để dùng một việc nào đó (mà nếu không có lửa sẽ không thực hiện được).
Người Việt bình thường khi nghe câu hỏi đó sẽ biết ngay là người hỏi đang cần có diêm (và hy vọng người được hỏi đáp ứng). Dĩ nhiên, nếu trả lời "có" thì anh sẽ là người cung cấp diêm cho người hỏi. Cũng như ai đó hỏi bạn: "Chủ nhật này anh ở nhà chứ?" thì có nghĩa anh muốn thực hiện một việc nào đó (với người được hỏi) vào Chủ nhật: Đến chơi nhà hoặc mời người bạn đi xem bóng đá, hoặc cùng đi thăm người ốm…
Khi người mẹ quát: "Mày lại muốn ăn đòn phải không?" thì đứa bé nọ phải hiểu rằng: "Hành động (hoặc lời nói) của bé đã làm người mẹ rất tức giận. Câu hỏi đưa ra là một lời cảnh báo, có tính đe doạ, rằng nếu bé cứ tiếp diễn (hành động, lời nói đã làm) thì sẽ nhận về một hình phạt thích đáng (ăn đòn)".
Khi ông bố nọ lớn tiếng với cô con gái: "Mày có đồng ý lấy nó không thì mày bảo?" thì có nghĩa là "Thái độ chần chừ (mà nhiều khả năng là từ chối) của cô con gái trong việc nhận lời lấy chàng trai (mà ông bố thấy là nên) làm ông bực bội (tới mức không đừng được nữa) và quyết định đưa ra một "thông điệp cứng rắn". (Nếu "mày" cứ ngoan cố như thế thì "tao" hết chịu nổi và có thể sẽ xảy ra điều không hay trong quan hệ gia đình).
Hoặc là đang giao thông giữa đường, một sự va chạm xảy ra, một đương sự (thuộc dân "anh chị" hay thuộc diện "con ông cháu cha") trong vụ va chạm đó lớn tiếng: "Mày có biết tao là ai không?" thì câu hỏi đó có hàm ý "Mày coi chừng, tao không phải tay vừa - hoặc tao là đầu gấu hoặc tao là con ông A bà B (là người đang có thế lực). Mày sẽ nhận về mình hậu quả không hay (có khi rất xấu, hậu quả khó lường) nếu không xử sự sao cho biết điều trong vụ này".
Rõ ràng, hỏi ở đây chỉ là một cái cớ, một "hàm ý thông điệp" mà người nói muốn chuyển tới người nghe. Người nghe phải hiểu để có ứng xử thích hợp.
Dân gian có một giai thoại liên quan tới Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Đó là khi ông còn đang ở ẩn ở Đông Quan thì một hôm danh tướng Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429) gõ cửa nhà ông trong vai người bán dầu (nhằm bắt mối liên lạc với Nguyễn Trãi, cùng nhau lên Lam Sơn tụ nghĩa). Nguyễn Trãi mời vào nhà và hỏi người bán dầu đặc biệt này: "Dầu ông có pha nước không?" thì được Trần Nguyên Hãn trả lời: "Tôi chỉ bán dầu chứ không bán nước". Hàm ý của 2 câu đối đáp thật thâm thúy.
Hỏi không phải để hỏi (mà thực hiện một hành động khác) chính là một vấn đề thú vị trong giao tiếp ngôn ngữ đời thường.
Em nghe anh hỏi câu này
Mà tin vào chuyện hôm nay chúng mình
Tags