Nói đến từ "bở", tôi tin là các bà các cô (và nhất là các bạn gái) sẽ hình dung ra món quà quê quen thuộc (rất thường gặp trên các gánh hàng rong của mấy bà ngoài phố): Những củ khoai hoặc sắn luộc bở nom rất ngon lành, hấp dẫn.
"Bở" ở đây là một tính từ, chỉ một sự vật nào đó "dễ tơi ra, vụn ra khi chịu tác động của nhiệt độ hoặc lực cơ học". Ví dụ: Khoai lang vùi trong bếp chín bở tơi; đất cát đào ở ngoài gò bở như vôi; sắn vùng đồi này củ to, bở và thơm lắm…
Nét nghĩa chính của từ "bở" này xuất hiện trong một kết hợp khá quen thuộc khác: Dưa bở. Trong rất nhiều loại dưa ta thường gặp, có một loại dưa màu vàng nhạt, vân đen, khi chín vỏ ngoài bị tróc để lộ phần thịt bên trong giống như khoai luộc bở tơi ra vậy. Loại dưa này, gọt vỏ, bổ ra trộn thêm đường, đem ướp lạnh sẽ cho ta một món tráng miệng "mát ngọt như kem".
Nhưng chất liệu làm nên đặc trưng dưa bở không phải là chất bột. Khác với dưa hồng, dưa lê, dưa đỏ (dưa hấu),… - những quả này có thịt chắc hoặc mềm - dưa bở có thịt xốp và tơi ra. Như vậy, dưa bở có biểu hiện khi chín hơi khác. Song, đấy không phải là biểu hiện của các loại củ, quả, hạt có chất bột khi luộc (hoặc đồ) chín. Chất bột đó chỉ có thể có ở những sản phẩm ngũ cốc (kê, đậu, ngô, lúa, nếp) và một vài loại củ (khoai, sắn, dong…). Dưa bở dù có bở đến mấy cũng không thể ăn thay cơm thay khoai như các loại tinh bột được. (Tinh bột có công thức hóa học là C6H12O6.).
Còn một loại "bở" nữa, chỉ một loại quả. Đó là quả na bở. Na bở là một loại na. Na là loại cây quả có hình cầu, vỏ có nhiều mắt, thịt trắng, hạt màu đen, mềm và ngọt. Na hiện tại có 2 loại: Na dai và na bở. Na dai có thịt chắc và dai, còn na bở lại có thịt mềm, hơi nát và không liên kết thành khối như na dai. Hai loại na này đều có vị ngon riêng, dù na dai đang được ưa chuộng trên thị trường tiêu thụ (vì vậy mà người ta đã ít trồng giống na bở và sản lượng loại na này thấp hơn hẳn na dai).
Nhưng có điều này đáng lưu ý về mặt "chuyển di ngữ nghĩa" của từ bở.
Ta vẫn thường nghe ai đó nói: "Tay ấy vừa rồi vớ được món bở" (tự nhiên được một món hời), "Thấy bở thành ra đào mãi" (tình cờ gặp may, có được món lợi thế là tiếp tục lặp lại việc đã làm); hoặc câu nói vui: "Đừng có mà giàu trí tưởng bở nhé!" (có ai đó tin vào một hy vọng hão huyền, ăn may, hú họa)... Như vậy, xuất phát từ một nghĩa tích cực của "bở" (ngon, dễ ăn), "bở" này lại có nghĩa là "được hưởng lợi lộc, điều hay, hiệu quả cao mà không phải tốn nhiều sức lực".
Thế là, từ chuyện một củ khoai bở bình thường, ta gặp "chuyện bở" - những điều được coi là lợi lộc (chủ yếu là vật chất) mà cuộc sống đem lại cho ai đó. Những điều lợi lộc này có thể từ một sự ngẫu nhiên bất ngờ (như trời cho vậy), hoặc có thể là từ sự khôn lỏi của ai đó, biết tận dụng cơ hội để kiếm chác. Dù theo tình huống nào thì những cái được đó đều không bền, không xứng đáng, vì không phải từ sức lao động chân chính của mỗi người.
Củ khoai luộc bở vẫn ngon
Nhưng chuyện "vớ bở" thì buồn lắm thay!
Tags