"Cá mè lưỡi hái" là tên một loại cá mè, mà một thời, rất nhiều người ở vùng quê (phổ biến ở miền Bắc) thường ăn.
Bây giờ ra chợ mua cá (tôm, cua, ốc…) người ta thường định lượng theo cân nặng. Tất cả các loại thủy sản đều được đặt lên bàn cân. Vừa đơn giản, vừa nhanh và chính xác. Nhưng trước đây, việc bán hàng đại khái "cá kể đầu, rau kể mớ" là rất phổ biến theo cách ước lượng và định danh dân gian.
Cá mè (còn gọi là cá mè trắng) là "loại cá nước ngọt cùng họ với cá chép, thân dẹp, vảy nhỏ, đầu to". Cùng họ với cá chép nhưng ở nông thôn trước đây, cá chép hiếm và ít hơn. Cá mè được nhân giống và thả theo đàn vào dịp đầu Xuân ("cá mè một lứa"). Cá mè cũng có thể nuôi đại trà vì loại cá này ăn nổi, dễ nuôi và thu hoạch nhanh. Chỉ 2-3 tháng sau khi thả, người ta có thể đánh bắt được rồi.
Lúc đó cá mè đang trong thời kỳ sinh trưởng, to cỡ bàn tay, kích thước tương đương với lưỡi hái (hái: nông cụ gồm một lưỡi thép có răng cưa gắn vào một thanh gỗ, hoặc tre có móc dài, dùng để gặt lúa, sau này nông dân dùng liềm là phổ biến). Người ta cũng còn dùng một cách định danh khác: cá mè cắt hai (cắt đôi) (cũng như cá chép hoặc cá trắm cắt hai). "Cắt hai" là cách thức xử lý cá khi chuẩn bị chế biến thức ăn (mổ, cắt cho vừa khi nấu nướng).
Tùy trường hợp, con cá mè (hoặc cá chép) có thể cắt thành hai, ba, bốn hoặc năm khúc mà người ta gọi "cá mè cắt hai", "cá mè cắt ba", "cá mè cắt tư", "cá mè cắt năm",… (cắt đến năm trở lên là cá đã to lắm rồi, ngày xưa nuôi được đến độ này là rất hiếm). Có "cá mè lưỡi hái" nhưng người ta lại không gọi "cá chép lưỡi hái", cũng bởi cá mè có thân dẹp, lưng dày, mỏng bụng (gần với hình dáng và đặc điểm của lưỡi hái hơn).
Cũng về cá, còn có loại "cá chuối chuôi gàu (gầu)". Đó là loại cá chuối (hoặc cá quả, cá lóc) loại nhỡ, to chừng bằng cái chuôi gàu sòng hoặc gàu vẫy (loại gàu tát nước phổ biến ở nông thôn). Hoặc "cá rô hạt bưởi", chỉ cá rô ron, to bằng hạt quả bưởi (quả bòng).
Về loài đỉa (đỉa: giun đốt sống ở nước ngọt, chuyên bám vào da người và động vật để hút máu), có nhiều loại. Nhưng có hai loại mô phỏng lá cây: đỉa hẹ (đỉa nhỏ, nhỏ như lá hẹ), đỉa lá lúa (đỉa to hơn đỉa hẹ, nhỏ hơn đỉa trâu, tương đương với lá cây lúa)…
Quan sát và định danh các sự vật bằng cách mô phỏng một sự vật khác là hiện tượng không hiếm trong tiếng Việt. Ngoài động vật còn có thực vật. Thí dụ có dưa chuột: dưa quả nhỏ và dài, cỡ bằng con chuột; dưa gang: dưa quả dài, lớn hơn dưa chuột, chừng một gang tay; dưa lê: dưa quả hơi tròn, dáng quả lê… Thí dụ có ớt chỉ thiên: ớt quả nhỏ, hướng quả chỉ thẳng lên phía trên; ớt móng gà: ớt quả vừa, quặp lại và có màu vàng như màu móng con gà…
Thế đấy, từ câu chuyện gọi tên con cá mè, ta có thể liên hệ với nhiều cách gọi tên sự vật khác của người Việt bắt nguồn từ sự liên tưởng và mô phỏng hình dạng các sự vật đang có trong đời thường.
Cá mè lưỡi hái quê ta
Cắt đôi thì được, cắt ba thì đừng
Tags