"Cát liền tay, thịt chầy ngày" là một câu tục ngữ tiếng Việt có từ xa xưa. Đó là một tổng kết về kinh nghiệm làm đất cấy lúa của nhà nông.
Muốn hiểu sao cho cụ thể ngọn ngành, trước hết ta phải làm rõ mấy khái niệm có mặt trong câu tục ngữ này.
"Cát" được dùng chỉ "đất cát". "Đất" là "chất rắn ở trên đó người và các loài vật đang sống, đối lập với trời, biển, nước" ("Từ điển tiếng Việt", Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Các loại đất trồng có nhiều loại và chúng khác nhau về thành phần cấu tạo. Theo cách phân loại của nhà nông thì có các loại đất cơ bản sau (được sử dụng trong canh tác): Đất cát, đất cát pha, đất thịt, đất thịt pha…
"Đất cát" là "đất có thành phần chủ yếu là những hạt như cát, rời rạc, nên dễ làm, dễ thấm nước" (từ điển, đã dẫn). "Đất cát pha" là loại "đất trung gian giữa đất cát và đất thịt, nhưng gần đất cát hơn" (từ điển, đã dẫn). Còn "đất thịt" là "đất có thành phần chủ yếu là những hạt nhỏ, nhưng cũng không quá mịn, tương đối dễ làm, dễ thấm và giữ được nước" (từ điển, đã dẫn).
Dân gian dùng từ "thịt" (định ngữ cho đất trong "đất thịt") vì kết cấu loại đất này thường mịn, liên kết chắc, làm người ta hình dung ra loại đất này gần với "thịt" (thực phẩm lấy từ động vật, như lợn, gà, trâu, bò…).
"Đất thịt" (còn có "đất thịt pha", loại trung gian giữa đất thịt và đất cát) đối lập với "đất cát". Sự khác biệt của hai loại đất (đất cát - đất thịt) này liên quan tới mùa vụ (vụ chiêm, vụ mùa), giống cây trồng thích hợp. Đất cát và đất cát pha là 2 loại đất thích hợp với việc trồng màu (rau, khoai, đỗ, lạc…). Còn đất thịt thì thích hợp cho việc cấy lúa (ruộng nước) hay trồng cây ăn quả, cây lấy lá (ruộng khô)...
***
"Cát liền tay, thịt chầy ngày" là một cách nói ngắn gọn, tổng kết kinh nghiệm của cha ông ta về cách thức chuẩn bị đất cho việc gieo trồng thế nào cho thuận lợi. Khi mạ (cây lúa non, được gieo ở ruộng riêng, sau một thời gian được nhổ lên để cấy lại ở một ruộng khác) thì việc làm đất là một công việc quan trọng. Nó có vai trò quyết định tới việc sinh trưởng tiếp theo của cây lúa.
Thông thường, đất trước khi cấy phải tiến hành việc cày và bừa. Cày lật để vỡ đất, xới đất. Bừa để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, làm sạch cỏ. Cày bừa xong, mặt ruộng phẳng phiu, nước đủ mới tiến hành việc cấy.
Tuy nhiên, thời gian cấy thích hợp với đất cát và đất thịt là khác nhau. Với ruộng là đất cát (hoặc cát pha) thì cày bừa xong thì nên cấy ngay (liền tay: làm luôn việc gì đó, không chần chừ chậm trễ). Lúc này, đất còn mới, tơi xốp, chưa rẽ, dễ cắm mạ, chứ nếu để lâu đất lì mặt, khó giúi cây mạ xuống và nếu giúi mạnh quá, mạ dễ gãy giập, hỏng.
Ngược lại, với ruộng đất thịt, bừa xong mà cấy ngay lại không thích hợp. Cũng bởi lúc đó, đất giống như bùn nhão và lỏng, cắm mạ xuống dễ đổ, không ngay ngắn thẳng hàng. Người ta phải chờ một vài ngày (chầy ngày, chầy = muộn, chậm) cho se mặt ruộng, bùn đã liên kết lại, bớt lỏng, cắm cây mạ xuống mới đứng vững được.
Cũng bởi cây mạ cấy xong phải chắc chân, không ngả nghiêng xiêu vẹo thì mới nhanh bén rễ và qua giai đoạn bén rễ, cây lúa mới sinh trưởng bình thường, đẻ nhánh, trỗ bông, vào hạt...
"Cấy ngay" hoặc để "chầy ngày"
Thích hợp tùy loại đất cày đó em!
Tags