"Nhà" trong tiếng Việt là một từ quen thuộc. Nó cũng là từ trong nhóm từ thông dụng mà trẻ em học nói (hoặc người nước ngoài học tiếng Việt) phải làm quen đầu tiên (như bố, mẹ, ông, bà…; đầu, mắt, mũi, chân, tay…; áo, quần, bát, đĩa,…; ăn, uống, ngủ, đi, chơi…).
Nhà có nhiều nghĩa, nhưng có một nét nghĩa cơ bản, chỉ "công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để sử dụng vào việc nào đó" - Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Với mọi người (nói chung trên thế giới), ai cũng phải có một nơi để trú thân, để duy trì mọi hoạt động cuộc sống bình thường. Có những người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi không nhà, nhưng đó là những người có hoàn cảnh bất bình thường. Họ bị mất một quyền sống, một điều kiện rất cơ bản để tồn tại. Tất nhiên, số này rất ít ỏi.
Từ điển tiếng Việt (cỡ trung, vừa dẫn) có tới 118 đơn vị từ vựng theo cấu trúc "nhà + X", từ nhà ăn, nhà báo, nhà băng,… đến nhà nhà xí, nhà xưởng, nhà xuất bản. Có những kết hợp có "nhà" nhưng chẳng liên quan gì đến "công trình xây dựng" cả (những từ chỉ người làm một công việc nào đó), như: Nhà báo, nhà binh, nhà buôn,… hay nhà giáo, nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà thơ…. Có những từ không liên quan đến công trình xây dựng và cũng chẳng liên quan đến người, như: Nhà gái/ nhà trai, nhà nước, nhà quê…
Trong bài này, tôi muốn đến một từ nhà đặc biệt: Nhà xí.
"Nhà xí" còn được gọi là "nhà cầu" (phương ngữ một số vùng), hoặc "nhà tiêu" (ít dùng hơn). Từ này (nhà xí), ít được nói đến trong giao tiếp, hoặc khi cần nói đến cũng tạo nên một liên tưởng không hay. Cũng bởi nó liên quan tới một hoạt động được coi là tế nhị, khó nói. Muốn tồn tại, ai cũng phải ăn phải uống sao cho đủ dinh dưỡng và đã ăn uống thì dẫn đến việc đào thải. Nhưng ngày trước việc bài tiết (đại tiện, tiểu tiện) cần phải kín đáo. Ai qua phải bước vội, ai vào phải bịt mũi giải quyết cho nhanh. Sao lại gọi cái này là "nhà", nơi thực thi cái mà dân gian liệt vào "tứ khoái" được nhỉ?
Trong hai việc (ăn uống, bài tiết) thì trước đây, người Việt ta không coi trọng nhu cầu bài tiết (mà thực ra rất quan trọng). Vì thế mà nơi để đào thải (đại, tiểu tiện) được làm rất sơ sài.Nhà xí thường được xây dựng cách xa nơi ở, thường với một diện tích rất nhỏ sau vườn, dựng tạm bằng một túp lều tranh tre nứa lá, thậm chí chỉ có một tấm cót quây, mấy cành tre buộc tạm và che chung quanh bằng những tàu chuối khô hay tấm rạ. Mùa Đông gió thổi lạnh buốt còn mùa Hè thì nóng bức, ruồi nhặng bu đầy, chuột bọ phá phách, bốc lên mùi uế khí, rất mất vệ sinh.
Sự thay đổi về quan niệm, cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng văn minh, hình ảnh cái "nhà xí" cổ xưa gần như đã biến mất. Không chỉ ở đô thị hiện đại, ngay cả ở nông thôn bây giờ thì việc "đồng bộ hóa" nơi ăn nơi ở, nơi bài tiết trong một không gian chung là hết sức bình thường. Nhà vệ sinh, toilet (tên gọi thay cho "nhà xí") được đưa vào thiết kế trong bất kỳ một công trình kiến trúc phục vụ đời sống nào (nhà riêng, cơ quan, xí nghiệp, công sở, chung cư, công trình văn hóa công cộng…). Nhiều căn hộ chung cư có tới 2-3 hoặc 4 toilet là bình thường.
Từ "xí" bây giờ chỉ còn lưu trong hai tổ hợp, được đưa vào danh sách Từ điển từ mới (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2002) là "xí xổm" (hố xí có bệ đặt ngang với mặt nền, khi sử dụng phải ngồi xổm) và "xí bệt" (hố xí có bệ cao, khi sử dụng có thể ngồi bệt lên thành bệ).
Chi phí cho các công trình vệ sinh bây giờ cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ khi xây dựng nhà ở. Thậm chí, người ta còn nâng cấp, "sang trọng hóa", đầu tư những phương tiện tiện nghi hiện đại cho cái gọi là "công trình phụ" này. Không ít những toilet bây giờ rộng rãi, trang thiết bị xịn (nhập từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với giá cả đắt tới mức chỉ cần một cái "bệt" (bồn cầu) thôi (theo tiện nghi hiện đại) đã phải chi tới một vài ngàn đô-la.
Như vậy, từ "nhà xí" đến "nhà vệ sinh" (toilet) đã có sự biến chuyển về nghĩa theo thời gian. Chính cuộc sống làm nên các tiện ích và làm thay bản chất ngữ nghĩa của từ này.
Nhà anh "căn hộ kiểu Tây"
Chỉ vào toilet đã ngây ngất lòng
Tags