Câu này còn có dạng đầy đủ là "Đắm đò nhân thể giặt mẹt". Đò là một loại "thuyền nhỏ chở khách trên sông theo những tuyến nhất định" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Những ai từng phải quá giang qua các vùng sông nước thường rất quen với các loại đò dọc (đò chở khách dọc theo dòng sông) và đò ngang (đò chở khách qua lại ngang sông, từ bờ này sang bờ kia).
Còn mẹt là "đồ đan bằng tre nứa, có hình tròn, lòng nông, thường để dùng để phơi, bày các thứ" (từ điển đã dẫn).
Ở nhà quê, người ta thường dùng mẹt để sảy thóc, sảy gạo (cho sạch), hoặc đem phơi cau, phơi cá, phơi các loại hạt… Ra chợ, ta thường bắt gặp những bà hàng xén bày đủ thứ hàng tiêu dùng lặt vặt lên một hai chiếc mẹt bày bên cạnh.
Câu thành ngữ trên có sáu âm tiết và ngữ nghĩa cũng tường minh dễ hiểu. Câu này được Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa là: "Bị đắm đò thì nhân thể giặt luôn cái mẹt (đang định giặt, nhưng chưa có dịp). Hay dùng để nhắc mọi người hãy làm ngay (những gì đã dự tính) khi vừa gặp dịp". Nguyễn Đức Dương còn cho câu này đồng nghĩa với câu "Đắm đò nhân thể rửa trôn" (trôn: đít, hậu môn).
Đúng là "nhân thể A thì làm B". Giải nghĩa như vậy thì đơn giản quá. Bởi đò bị đắm là một sự cố sông nước hi hữu. Đò đắm có thể do nhiều nguyên nhân: 1) bị quá tải do chở nhiều hàng hoặc chở nhiều người ("Con ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua" - ca dao); 2) dùng lâu ngày bị thủng do mục nát hoặc chất lượng kém; 3) bị sóng gió bất thường làm nước tràn vào hoặc bị lật úp. Bất luận trong trường hợp nào khi đò bị đắm thì đó cũng là một tai nạn sông nước, rất nghiêm trọng. Nhẹ thì mất thuyền (đò), trôi hàng hóa. Nặng thì dẫn đến người trên đò thiệt mạng. Đã có không ít tai họa thương tâm khi những con đò chở khách qua sông, qua hồ, qua biển, bị đắm để lại hậu quả mà mỗi khi nghĩ đến, chúng ta đều rất đau buồn.
Cho nên chuyện ai đó mang mẹt (dụng cụ mà những người làm ăn buôn bán, làm nghề nông thường đem theo cho công việc) ra giặt cho sạch đúng vào lúc đắm đò kể cũng lạ (nếu không nói là ngớ ngẩn, phi lý). Bởi trong tình thể khẩn cấp, hết sức hiểm nguy như thế, mọi người trên đò phải tìm đủ cách để cứu lấy thân. Thậm chí, chả ai nghĩ đến hành trang, tài sản, tiền bạc, đồ quý giá mang theo làm gì. Sóng gió khôn lường. Lúc đó, cái mẹt bẩn kia chả là gì trong sự sống còn của con người. Sinh mệnh cao hơn hết thảy. Không có mẹt, hoặc có mẹt nhưng bẩn, cũng chẳng chết ai.
Nên câu này được dùng với nghĩa bóng. Ở đây phân theo hai hướng.
Hướng 1, dùng để chỉ ai đó hà tiện và kẹt xỉ quá mức. Hễ thấy cái gì có lợi cho mình là làm, bất chấp mọi hoàn cảnh, dù là xấu, là nguy hiểm.
Hướng 2, chỉ ai đó biết "tận dụng tình thế", nhân một tình huống rủi ro, bất lợi, thôi thì tận dụng để làm một việc có ích. Cái rủi thì đằng nào cũng đã rủi. Nhưng trong cái rủi (dù là rủi quá lớn) thì ta nên lợi dụng để biến thành cái may (dù là cái may quá nhỏ).
Cả hai hướng nghĩa như vậy đều phản ánh một cái nhìn thực dụng và có phần thiển cận (trong việc xử lý và giải quyết tình thế). Những người như vậy ngày xưa đã có và bây giờ vẫn có.
Đắm đò lo cứu lấy thân
Còn chuyện giặt mẹt ai cần đến đâu
Tags