Chữ và nghĩa: Đau đẻ còn chờ sáng trăng

Thứ Tư, 09/11/2022 07:55 GMT+7

Google News
Cover

"Đau" theo nghĩa đen thường dùng có nghĩa là "có cảm giác khó chịu ở nào đó của cơ thể do bị tổn thương" (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2020).

Nhưng có lẽ, "đau đẻ" (cơn đau của sản phụ khi trở dạ, biểu hiện bằng những cơn cuộn thắt, liên tục, mức độ tăng dần) là một loại đau đặc biệt nhất.

Những phụ nữ trở dạ đẻ (nhất là đẻ con so) bao giờ cũng phải trải qua những cơn đau "lên bờ xuống ruộng".

Đọc Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan chắc mọi người còn nhớ cảnh chị Pha đau đẻ "ác liệt" như thế nào (ở đầu tiểu thuyết).

Chị vợ thì "ì ạch thở như một người sắp tắt hơi". Còn anh Pha (theo lời xui của bà đỡ) phải vào lay mấy cái cọc chuồng lợn để "đau hộ" một phần cho vợ (có ông chồng còn phải leo lên mái nhà mấy lần).

"Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen" - dân gian đã tổng kết ba tình huống đáng nhớ đời mà người ta phải chịu đựng.(Đau đẻ là thứ đau dữ dội, rất khó làm dịu và không có cách làm dịu (như uống thuốc giảm đau); ngứa ghẻ là thứ ngứa khó chịu, dai dẳng hơn bất thứ ngứa nào; đòn ghen là thứ đòn (thường là từ người đàn ông) giáng xuống người tình của mình trong cơn ghen đang lên tột đỉnh).

Nói thế cũng đủ để hình dung chuyện đau đẻ mà chị em phải chịu đựng khi vượt cạn. Giờ đây, y học phát triển, người ta đã có biện pháp can thiệp (mổ) để phụ nữ không phải sinh con tự nhiên nên cảnh phải chống chọi với những cơn đau có hạn chế hơn. Nhưng chuyện "mang nặng đẻ đau" vẫn còn in đậm trong tiềm thức biết bao thế hệ.

Vậy câu thành ngữ "Đau đẻ còn chờ sáng trăng" muốn chuyển tải điều gì?

Tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa: "Đau đẻ (là chuyện phải ứng phó ngay tức khắc) vậy mà còn bắt phải chờ cho tới hôm sáng trăng (mới được đau). Hay dùng để than phiền về thói ứng xử lề mề của kẻ ưa trì hoãn mọi chuyện, ngay cả những chuyện không thể trì hoãn".

Chữ và nghĩa: Đau đẻ còn chờ sáng trăng  - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Còn tác giả Việt Chương (trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, quyển hạ, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) thì giải thích: "Đau đẻ thúc giục từng cơn có tài nào nín được.

Cơn đau cứ thúc giục liên hồi vì đã đến "khai hoa nở nhụy". Tới giờ, tới ngày thì đẻ, không ai muốn sớm hay trễ được. Nghĩa bóng câu này cho rằng ở đời việc gì gấp gáp thì nên làm trước, việc chưa gấp thì hãy làm sau. Người mà không biết lo toan công việc thì làm việc khó thành công".

"Chờ sáng trăng" tức là chờ tới một hoàn cảnh thuận lợi hơn, tốt hơn. Bởi ngày xưa, trong điều kiện có trăng ban đêm (có ánh sáng trời) thì việc thực thi mọi việc (trong đó có lo toan cho sản phụ sinh nở - tại nhà hoặc đến nhà thương) sẽ thuận tiện cho mọi việc (chứ tối đen tối mù thì làm gì cũng khó). Nhưng trăng có phải đêm nào cũng có và nếu có thì không phải hôm nào trăng cũng tròn và sáng suốt đêm.

Vậy nên, ai đó lại định hoãn cơn đau để chờ tới dịp thích hợp thì quả là viển vông, "duy ý chí", làm trái với mọi quy luật của tạo hóa. "Hoa đến thì thì hoa phải nở". Sản phụ đến ngày sinh nở thì sản phụ phải đau. Và dù có đau trở dạ dài đến mấy thì cũng chỉ có giới hạn (1-2 ngày là cùng). Trăng có sáng hoặc không, cũng kệ trăng. Bà bầu đã ôm bụng kêu đau thì cả nhà, cả họ phải xúm vào lo cho việc sinh nở "mẹ tròn con vuông". Chỉ có kẻ ấm đầu, ngớ ngẩn, thậm chí ngu dốt mới có ước muốn ngược đời "chờ trăng mới đẻ".

Dân gian chỉ mượn hình ảnh này để nói một sự tình khác. Đó là chuyện lề mề, dềnh dàng, không quyết làm ngay trong khi tình thế đã cấp bách mà lại cứ chờ đợi những thứ khác. Ví dụ: "Bão làm toàn bộ lúa mấy cánh ruộng ngoài đê đổ ngập đồng. Vậy mà ông chủ nhiệm không hô hào bà con đi gặt gấp, lại còn khề khà bảo chờ cánh thanh niên chống lụt về mới hội quân đi cho khí thế. Đúng là đau đẻ chờ sáng giăng". Những người có tâm lý và cách hành xử như thế là những người thiếu thực tế. Tất nhiên sẽ dẫn đến hỏng việc như chơi. Đó là một bài học về cách ứng xử sao cho thích hợp trong một tình huống cấp bách.

Đau đẻ cứ đòi sáng trăng/Trên trời chú Cuội, chị Hằng không theo...

PGS-TS Phạm Văn Tình

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›