"Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân", đây là một cặp lục bát trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hai câu quen thuộc đến mức đã đi vào tiềm thức những ai đọc Kiều, yêu Kiều và được mặc nhiên thừa nhận, không có gì phải bàn cãi về cách hiểu.
Ấy thế mà lại có vấn đề đáng bàn ở đây. Mà là vấn đề khá phức tạp về ngữ nghĩa tiếng Việt.
Bắt đầu bằng 2 chữ "đầu lòng".
Đào Duy Anh (trong Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, 1974) giải nghĩa từ đầu lòng là "Chỉ người con đẻ trước hết". Nghĩa như vậy hoàn toàn giống với các cuốn từ điển tiếng Việt, cụ thể là "Từ điển tiếng Việt" (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020):
đầu lòng t. [người con] được sinh ra đầu tiên.
Không cần căn cứ vào từ điển, dân gian ta từ xưa đến nay vẫn hiểu con đầu lòng là "người con được sinh ra đầu tiên trong một gia đình nào đó". Như vậy, con đầu lòng (theo lẽ thường) chỉ có 1. Nhưng trong câu thơ của Nguyễn Du thì đầu lòng là 2 (Đầu lòng hai ả…). Phải chăng Thúy Kiều và Thúy Vân là cặp sinh đôi nên xét về tư cách, cả 2 được coi là "đầu lòng"?
Câu tiếp theo của Nguyễn Du là "Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân". Có lẽ đa số mọi người đều hiểu Thúy Vân sinh sau, kém tuổi Thúy Kiều (chứ không phải sinh đôi - sinh ra cùng một lúc). Thực tế, trong các ca sinh đôi, sinh 3, thậm chí sinh 4, sinh 5 thì chẳng có ca nào mấy đứa trẻ trong ca "song thai", "đa thai" đó lại có thể ra cùng một lúc mà phải lần lượt trước sau (nhanh có khi vài chục giây hoặc chậm thì lâu hơn).
Theo phong tục Bắc bộ, trong những trường hợp đó, trẻ nào ra trước sẽ được tính là anh (hoặc là chị). Và trong trường hợp 2 chị em nhà Vương Ông sinh đôi thì ở đây, Thúy Kiều đã ra trước (nên được gọi là chị) (dù rằng, nếu tính tuổi hoặc theo lá số tử vi thì 2 chị em hoàn toàn giống nhau).
Nếu Thúy Kiều ra trước và được vào vai chị thì Thúy Kiều phải được coi là con đầu lòng. Trong cách dùng từ của Nguyễn Du thì "đầu lòng" và "rốt lòng" (chữ dùng của Nguyễn Du) làm thành 1 cặp trái nghĩa ("Một trai con thứ rốt lòng/ Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia"). Trong cặp từ trái nghĩa này, đầu lòng và rốt lòng chỉ có 1 đối tượng (con đầu hoặc con rốt). Qua những câu giới thiệu mở truyện thì nhà Vương Ông có 3 người con, 3 chị em lần lượt là Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Cứ theo đó thì "Thúy Kiều là con gái đầu lòng, Thúy Vân là con gái thứ và Vương Quan là con trai "rốt lòng" (con út, cũng là con trai độc nhất)". Nhưng Nguyễn Du đã khẳng định "đầu lòng hai ả" và 2 cô con gái này có tư cách hoàn toàn giống nhau (về thứ tự sinh con ở các gia đình) nếu xem xét theo nghĩa của tiếng Việt xưa và nay. Thật là vô lý nếu coi 2 trẻ sinh đôi đều là "con đầu lòng". Vậy nếu là ca sinh 3, sinh 4, sinh 5 thì đương nhiên ta sẽ có một lúc 3, 4, 5 đứa trẻ vào vai con đầu lòng.
Tôi có tham khảo các bác sĩ sản khoa thì theo họ, trong ngành y, chỉ có hai từ "con so" và "con rạ" để phân biệt. "Con so" để chỉ đứa trẻ được người mẹ sinh lần đầu. "Con rạ" dùng để chỉ đứa trẻ mẹ sinh từ lần thứ hai trở đi. Nếu một sản phụ đẻ sinh đôi, sinh ba, sinh tư… thì trong y bạ, mục "Tình trạng sản phụ" (ngoài các thông tin theo quy định) cũng chỉ ghi "đẻ con so" hoặc "đẻ con rạ" (để có chế độ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân phù hợp). Nếu trường hợp đẻ sinh đôi, sinh ba… thì bệnh viện cũng không căn cứ vào chuyện trẻ ra trước ra sau để thay đổi tình trạng sinh nở của sản phụ.
Vì vậy, qua phân tích hai câu thơ trên của Nguyễn Du, chúng ta có thể đưa ra mấy giả thuyết:
1) Hai chị em là trường hợp sinh đôi và cả 2 được coi là "con đầu lòng" (theo cách dùng trước đây của cộng đồng tiếng Việt thời Nguyễn Du, còn hiện nay đã khác).
2) Hai chị em khác tuổi nhau (không sinh đôi) và theo cách hiểu của Nguyễn Du thì cả 2 cùng được coi là con đầu lòng;
3) Hai câu thơ của Nguyễn Du đơn giản chỉ có ý Thúy Kiều và Thúy Vân là 2 con đầu của Vương Ông";
4) Nguyễn Du đã dùng sai từ "đầu lòng".
"Đầu lòng" hay là "rốt lòng"
Cũng chỉ là 1 chứ không là nhiều.
Tags